Vừa qua Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam phối hợp với Quỹ hợp tác quốc tế về pháp luật của Đức (IRZ) tổ chức Hội thảo kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng của luật sư (LS) trong các vụ án hình sự.
Hội thảo đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, làm cơ sở triển khai các Luật về tố tụng 2015.
Chứng cứ là vấn đề rất quan trọng có tính quyết định việc xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự. Với luật sư, việc nắm bắt chứng cứ, khả năng thu thập và sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự là yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công của luật sư trong tranh tụng. Do vậy, hoạt động này cần được tiến hành một cách khách quan, cẩn trọng để loại trừ hiện tượng sai lệch hồ sơ, chứng cứ không đúng sự thật, dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định, người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá tài sản… Điều 26 BLTTHS 2015 quy định: “… người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án…”.
Theo LS Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam, đến nay vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể BLTTHS về quyền của LS cũng như cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trách nhiệm cung cấp chứng cứ của các cơ quan hữu quan nên hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ của LS còn rất khó khăn; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có chung một Thông tư liên tịch để giải thích, hướng dẫn cụ thể về thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho người bào chữa.
Ông dẫn chứng, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan gần 10 năm là bài học về tính độc lập của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, không đầy đủ.
Hội thảo về kỹ năng tranh tụng của luật sư
Hoạt động thu thập và đánh giá chứng cứ của LS trong các giai đoạn tố tụng của vụ án này chưa được chú trọng, đánh giá LS hoàn toàn khác với các cơ quan tố tụng, nhưng còn yếu bởi vậy hiệu quả minh oan của ông Chấn không đạt được tại thời điểm đó. Vì vậy, để có được chứng cứ do LS thu thập và sử dụng hiệu quả, cần thiết phải bình đẳng hơn nữa trong việc thu thập, cung cấp và sử dụng chứng cứ của LS, đồng thời phải có cơ chế bảo đảm trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận và xem xét đánh giá chứng cứ của LS cung cấp. Đây là một trong những quyền cơ bản của người tham gia tố tụng.
Từ nguyên tắc, phán quyết của Tòa án phải dựa trên quá trình tranh tụng tại phiên tòa và đánh giá các chứng cứ, đòi hỏi LS phải thực hiện quyền thu thập, sử dụng chứng cứ thực sự tạo thành đối trọng bình đẳng với bên buộc tội, đưa ra chứng cứ “gỡ tội” mang tính phản biện cao đối với chứng cứ “buội tội” nhằm giúp giải quyết vụ án nhanh chóng. Các ý kiến cho rằng, thực tiễn, CQĐT, VKS khó “xem xét khách quan, đầy đủ” các chứng cứ “chống lại mình” mà LS thu thập được vì chấp nhận chứng cứ gỡ tội, đặc biệt mà chứng cứ minh oan của LS chính là nguy cơ dẫn họ đến chỗ phải bồi thường oan (nếu có). Hơn nữa, BLTTHS 2003 quy định, TAND cũng có nghĩa vụ “chứng minh tội phạm” vô hình chung đã biến HĐXX thành một bên buộc tội, “đứng chung” với CQĐT, VKS nên thường những lập luận, quan điểm của LS chỉ được HĐXX ghi nhận một cách hết sức khiêm tốn, chung chung trong bản án là “không có cơ sở”. Nếu chứng cứ buộc tội thiếu thuyết phục thì HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo LS Nguyễn Thị Minh Châu (Đoàn LS TP. Hà Nội), BLTTHS 2015 có giúp giải quyết được việc “giám sát” LS khi LS thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ tại các cơ quan điều tra, ngăn chặn được việc rò rỉ thông tin giữa LS và thân chủ để bảo vệ bí mật của khách hàng, của nhân chứng… Nhiều vụ án, nhất là những vụ có khung hình phạt chung thân hoặc tử hình, khi làm việc với thân chủ, LS không được gặp trực tiếp mà qua điện thoại nói chuyện vậy làm sao biết được điện thoại đó có bị giám sát hay không? Thậm chí, trên tường trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh, Chương trình hành động của thanh niên còn ghi rõ giám sát tất cả các hoạt động của LS, như vậy là vi phạm Hiến pháp. Việc giám sát này nếu bị rò rỉ ra thì sẽ như thế nào. Nếu hoạt động thu thập chứng cứ của LS mà không được bí mật coi như thất bại.
Với cơ chế mới về “ghi âm ghi hình” quá trình hỏi cung (bắt buộc khi tiến hành tại cơ sở giam giữ), BLTTHS 2015 được đánh giá là sẽ này có ý nghĩa rất lớn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ để bảo vệ, loại trừ hiện tượng oan, sai người vô tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Từ 1/7/2016, theo BLTTHS 2015, LS được thu thập chứng cứ thì những vật chứng, tài liệu LS thu thập được có đủ thuộc tính của chứng cứ sẽ được công nhận là chứng cứ.
Quy định này được kỳ vọng sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho hoạt động thu thập chứng cứ của LS nhưng LS Bùi Đình Ứng (Văn phòng LS Bùi Đình Ứng) mong các quy định của BLTTHS không chỉ là những “mỹ từ” đối với LS. Bà Angela Schmeink, Giám đốc Văn phòng IRZ tại Berlin, Giám đốc Dự án tại Việt Nam cũng nhận định “Luật tốt đến mấy mà không triển khai được thì cũng không có giá trị”.
Mặc dù chỉ còn gần 1 tháng nữa BLTTHS 2015 sẽ có hiệu lực, các LS vẫn lo ngại, việc triển khai BLTTHS 2015 còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm để cải thiện quyền hành nghề của LS, trong đó có quyền gặp mặt giữa LS và thân chủ, quyền thu thập chứng cứ. Nhưng theo LS Otmar Kury, một trong các quyền của LS là quyền được yêu cầu thực thi các quy định của pháp luật. Quy định của Luật dành cho tất cả mọi người nên việc thu thập chứng cứ của các bên được Luật cho phép phải được tôn trọng như nhau. Nếu ai “bẻ luật” trong hoạt động này thì đều phải chịu phạt theo đúng quy định của pháp luật.