Kỳ này chúng tôi tiếp tục đề cập kỹ năng nghiên cứu lời khai của bị đơn, kỹ năng nghiên cứu lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, nghiên cứu lời khai của nhân chứng, các biên bản đối chất.
Bài 3: Kỹ năng chung khi nghiên cứu hồ sơ vụ án
Nghiên cứu lời khai của bị đơn
Việc nghiên cứu lời khai của bị đơn cũng được tiến hành theo thứ tự thời gian, nắm chắc các điểm bị đơn thống nhất với nguyên đơn và những điểm khác biệt giữa nguyên đơn và bị đơn. Các tài liệu bị đơn đưa ra để chứng minh. Nếu thấy tài liệu bị đơn đưa ra để chứng minh chưa đầy đủ, chưa rõ thì hướng dẫn cho bị đơn tiếp tục cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ. Sau khi nghiên cứu hết lời khai bị đơn này mới chuyển qua nghiên cứu lời khai bị đơn khác. Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố thì phải xem xét yêu cầu đó có đúng là yêu cầu phản tố như quy định ở khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 12 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hay đó chỉ là nội dung thể hiện sự không đồng ý toàn bộ hay một phần yêu cầu của nguyên đơn; ví dụ nguyên đơn cho rằng bị đơn vi phạm hợp đồng mới thực hiện được một phần công việc theo hợp đồng, số tiền bị đơn đã nhận vượt quá so với khối lượng công việc đã làm, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại số tiền đó, còn bị đơn cho rằng đã hoàn thành công việc theo hợp đồng, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, hoặc bị đơn cho rằng số tiền bị đơn đã nhận là chưa đủ so với khối lượng công việc đã hoàn thành, yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán tiếp số tiền còn thiếu so với hợp đồng thì đó không phải là yêu cầu phản tố.
Trong trường hợp yêu cầu của bị đơn đúng là yêu cầu phản tố thì quá trình nghiên cứu phải làm rõ bị đơn đã thực hiện thủ tục phản tố theo quy định của Điều 178 Bộ luật tố tụng dân sự chưa? Đó là bị đơn phải tiến hành thủ tục phản tố như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Nếu qua nghiên cứu hồ sơ thấy bị đơn chưa thực hiện đúng yêu cầu theo Bộ luật tố tụng dân sự quy định, thì Thẩm phán phải hướng dẫn cho bị đơn thực hiện. Nếu hồ sơ thể hiện bị đơn đã được hướng dẫn về thủ tục phản tố, nhưng bị đơn không thực hiện thì sau khi nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán phải rút ra các căn cứ để đi đến kết luận yêu cầu phản tố của bị đơn không được chấp nhận xem xét, giải quyết trong cùng vụ án. Nếu hồ sơ chưa có các tài liệu đó, thì Thẩm phán phải bổ sung, củng cố tài liệu trong hồ sơ về việc không giải quyết yêu cầu phản tố.
Khi nghiên cứu lời khai của bị đơn, vừa phải chú ý các điểm bị đơn thống nhất với nguyên đơn, đồng thời phải nắm được các điểm bị đơn khai khác nguyên đơn; các điểm bị đơn khai trước và sau mâu thuẫn nhau, những yêu cầu nào của nguyên đơn không được bị đơn chấp nhận và bị đơn đã cung cấp tài liệu, chứng cứ về vấn đề đó chưa? từ đó rút ra được kết luận có cần lấy lời khai tiếp của bị đơn hay nguyên đơn để làm rõ các điểm mâu thuẫn không? có cần hướng dẫn bị đơn cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ không? Có cần đối chất giữa nguyên đơn và bị đơn không? Hay đó là các điểm thứ yếu, chỉ cần ra phiên tòa tập trung làm rõ là đủ và dự liệu cả phương pháp, cách thức làm rõ tại phiên tòa về vấn đề này.
Sau khi nghiên cứu hết lời khai bị đơn, nghiên cứu tiếp lời khai, tài liệu của các đương sự khác.
Nghiên cứu lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án (nếu có)
Khi nghiên cứu lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cần nắm được yêu cầu của họ như thế nào? yêu cầu đó có phù hợp pháp luật hay không?
Việc nghiên cứu lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn cần chú ý cả điểm đương sự khai thống nhất với nguyên đơn và các đương sự khác, cả điểm khai khác với nguyên đơn nhưng lại thống nhất với các đương sự khác, mối quan hệ của đương sự này với nguyên đơn và các đương sự khác (ví dụ là anh em của nguyên đơn…)
Khi nghiên cứu lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn cũng cần có các lưu ý tương tự như trường hợp trên.
Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phương pháp nghiên cứu tương tự như các đương sự khác.
+ Nếu các đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) có người đại diện tham gia tố tụng, phải nghiên cứu lời khai của người đại diện và lời khai của người đại diện của đương sự nào thì xếp vào tập lời khai của đương sự đó. Về lời trình bày, khai báo của người đại diện của đương sự nào được xác định chính là lời khai của đương sự đó.
Nghiên cứu lời khai của nhân chứng, các biên bản đối chất
Khi nghiên cứu lời khai của nhân chứng vừa chú ý về độ tuổi, năng lực, nhận thức, độ chính xác của thông tin, mối quan hệ của nhân chứng với đương sự trong vụ án, vừa chú ý các điểm nhân chứng khai thống nhất với nguyên đơn hoặc bị đơn… và những điểm khai khác hoặc khai mâu thuẫn với các đương sự.
Phải chú ý tìm hiểu nhân chứng biết được các tình tiết, sự kiện, nội dung của vụ án trong hoàn cảnh nào? (trực tiếp chứng kiến, nghe đương sự nào đó nói lại, nghe theo lời kể của người khác…).
Sau khi nghiên cứu lời khai của đương sự và nhân chứng, nhận thấy có điểm chưa rõ hoặc mâu thuẫn phải rút ra có cần tiến hành lấy lời khai tiếp không? Có cần đối chất không? Nội dung cần đối chất? và các đối tượng cần đối chất với nhau (giữa nguyên đơn với nhân chứng hay giữa nguyên đơn, bị đơn với nhân chứng…)
Nếu hồ sơ đã có biên bản đối chất, cần nghiên cứu kỹ các biên bản đối chất và đối chiếu với lời khai của các đương sự, nhân chứng có trong hồ sơ với nội dung các biên bản đối chất để từ đó rút ra được việc đối chất đó đã đúng, đã đủ chưa? Có cần đối chất thêm vấn đề gì?... Trên thực tế có Thẩm phán không biết tiến hành đối chất. Một cuộc đối chất mà nội dung như một buổi lấy lời khai có nhiều người tham gia. Trong biên bản đối chất đó không lý giải, làm rõ các mâu thuẫn thì đó không phải là đối chất, phải tiến hành đối chất lại. Khi đối chất cần nêu rõ các điểm mâu thuẫn nhau, yêu cầu họ trình bày, lý giải, chứng minh về các vấn đề đang có mâu thuẫn (do lời khai mâu thuẫn nhau, mâu thuẫn tài liệu khác).
Nghiên cứu lời khai, tài liệu mà không rút ra được các vấn đề cần xử lý tiếp một cách đúng đắn thì cũng không phải là việc nghiên cứu đã tốt, đã đạt yêu cầu.
Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ khác
Tùy theo từng loại việc tranh chấp, các đương sự sẽ cung cấp cho Tòa án những tài liệu tương ứng, ví dụ hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tặng cho, mua bán tài sản, hàng hóa, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ các tài liệu này, từ đó tùy theo yêu cầu của nguyên đơn, sự thừa nhận hay phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Thẩm phán phải tập trung nghiên cứu các điểm đó. Nếu khi nghiên cứu lời khai của đương sự, Thẩm phán nhận thấy đã có đương sự yêu cầu giám định, đồng ý nộp tiền giám định chữ viết, chữ ký… trong các văn bản đó mà Tòa án chưa tiến hành thủ tục giám định, thì Thẩm phán phải rút ra kết luận cần phải cho giám định. Nếu hồ sơ đã có văn bản kết luận giám định mà đương sự không thừa nhận kết luận giám định thì Thẩm phán phải xem thủ tục giám định đã thực hiện đúng quy định pháp luật không? Nghiên cứu kỹ nội dung kết luận giám định, phương pháp giám định, lý do đương sự không thừa nhận kết luận giám định đó. Kiểm tra tài liệu, hồ sơ xem đương sự có yêu cầu giám định lại hay không?... để tùy theo yêu cầu của đương sự mà xử lý phù hợp. Trong trường hợp một tài liệu, một sự kiện đã được giám định nhiều lần và các kết luận giám định có nội dung trái ngược nhau, Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ từng bản kết luận giám định để xác định giá trị pháp lý và qua đối chiếu với tài liệu, chứng cứ khác để kết luận nội dung bản kết luận giám định nào là chứng cứ vụ án, có giá trị chứng minh.
Đối với các tranh chấp có liên quan đến bất động sản, có yêu cầu chia hiện vật, khi nghiên cứu phải rút ra được có cần xem xét thẩm định tại chỗ không? Nếu việc xem xét tại chỗ rất cần thì hồ sơ đã có biên bản xem xét tại chỗ chưa? Nếu chưa có phải kịp thời bổ khuyết, nếu hồ sơ đã có bản xem xét thẩm định tại chỗ thì phải xem xét kỹ hình thức và nội dung biên bản xem xét tại chỗ để biết biên bản này đã rõ ràng, cụ thể chưa? Nếu nghiên cứu biên bản xem xét thẩm định tại chỗ mà Thẩm phán không hình dung được bất động sản đó, hoặc có nghi ngờ độ chính xác, có điểm không rõ thì phải hỏi hai bên đương sự, sau khi các đương sự đã trình bày, Thẩm phán thấy biên bản xem xét thẩm định tại chỗ thể hiện không đúng, hoặc Thẩm phán vẫn thấy không rõ, không giúp cho sau này phán quyết được đúng và chính xác thì Thẩm phán phải đến xem xét, thẩm định tại chỗ lại.
Trường hợp vụ án có tài sản phải định giá, Thẩm phán phải nghiên cứu cả hình thức và nội dung biên bản định giá đó xem thành phần định giá có đúng quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung không? Các tài sản mà đương sự nêu ra đã được định giá hết chưa, có tài sản nào không được định giá? Vì sao tài sản đó không được định giá? Việc không định giá có hợp lý không? ý kiến của các đương sự về các tài sản không được định giá như thế nào?.v.v… Đối với số tài sản đã định giá, các đương sự có đồng ý với kết quả định giá không? Lý do vì sao đương sự không đồng ý? Có yêu cầu định giá lại không? Nếu hồ sơ có nhiều biên bản định giá, phải nghiên cứu kỹ cả hình thức, thành phần định giá, xem xét kỹ nội dung của từng bản định giá; các tài sản được định giá trong các biên bản có khớp nhau không? Nếu không khớp phải tìm hiểu vì sao? Việc định giá có khách quan không? Có phù hợp với giá thị trường ở thời điểm định giá không? Thời điểm định giá với thời điểm nghiên cứu xem xét và sẽ đưa ra xét xử có quá cách xa nhau không? Từ khi định giá đến thời điểm xét xử có sự biến động mạnh về giá không? Các đương sự có yêu cầu định giá lại hoặc có ý kiến gì khác không?.v.v… để từ đó có hướng xử lý, lựa chọn thích hợp với diễn biến, với tình trạng tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Những vụ có ý kiến của chính quyền cơ sở, đoàn thể, cơ quan, ban ngành mà các ý kiến có sự khác nhau, Thẩm phán cũng phải nghiên cứu hết, không được bỏ qua ý kiến nào. Sau khi nghiên cứu phải rút ra được có cần hỏi lại, lấy lại ý kiến của chính quyền cơ sở, đoàn thể nào không? Có cần lấy ý kiến của cả tập thể… không?
Đối với các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập từ bất cứ nguồn nào, nếu qua nghiên cứu thấy việc thu thập tài liệu, chứng cứ đúng quy định Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì đều phải nghiên cứu kỹ nội dung các tài liệu, chứng cứ đó thì mới giúp cho Thẩm phán đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện sau khi đã nghiên cứu xong toàn bộ hồ sơ vụ án.
Thông thường việc nghiên cứu hồ sơ theo tuần tự như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến cụ thể mà có vụ khi đang nghiên cứu lời khai nguyên đơn có thể đối chiếu ngay với lời khai của bị đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, biên bản đối chất hoặc các tài liệu khác như bản kết luận giám định, biên bản định giá.v.v… Trong thực tiễn cho thấy đối với những vụ án phức tạp, hồ sơ dày, việc nghiên cứu tuần tự, hết lời khai nguyên đơn, hết lời khai đương sự này mới chuyển qua nghiên cứu lời khai của đương sự khác là một phương pháp hiệu quả. (còn nữa)
Thu Hương