Xuất phát từ quan niệm, nếu mang được một cái gì đó về nhà vào thời khắc sau giao thừa thì cả gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới, thế nên từ xưa đến nay, người Lô Lô và người Dao đỏ vẫn duy trì phong tục đầu năm đi "ăn trộm" lấy may…
Trộm rau, củ, quả…
Đi lấy may đêm Giao thừa là một phong tục đẹp có ở nhiều dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam. Nhưng ở mỗi dân tộc, cái cách đi "lấy may", "lấy lộc" trong giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có nhiều điểm khác nhau, nhiều nét đặc trưng riêng. Lô Lô là một trong những dân tộc ít người nhất tại Việt Nam, từ nhiều đời nay vốn định cư và sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Đi ăn trộm lấy may trong đêm giao thừa là tục lệ khá kỳ lạ của người dân tộc này. Bởi, người Lô Lô tin rằng, ở thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về được một cái gì đó thì gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra.
Đêm giao thừa là đêm đặc biệt nhất trong năm. Nó là sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là khi trời đất giao hòa. Với người Lô Lô cũng vậy, đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả làng đều thức. Các cụ bà cùng trẻ em bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran; các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu; thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.
Theo phong tục, người Lô Lô đón năm mới bằng tiếng gà gáy đầu tiên. Ông Vàng Dỉ Chu (68 tuổi, nhà ở bản Lô Lô Chải, nguyên Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, Đồng Văn), kể: “Với người Lô Lô, vui nhất là đi chơi đêm 30, sau giao thừa. Mà không phải đi chơi bình thường đâu, đi lấy may, lấy lộc đem về. Đi lấy trộm của người khác ấy mà! Đi lấy may không lấy nhiều, không lấy những đồ vật có giá trị, chỉ là củ hành, củ tỏi, là cây rau, thanh củi nhỏ. Và đương nhiên là không lấy cái của gia đình mình”.
Một góc Lô Lô Chải
Người Lô Lô đinh ninh rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, làm ăn phát đạt. Nhưng việc đi lấy may ấy, không dừng lại đơn thuần ở việc mang được thứ gì đó về nhà mà còn thể hiện cả tín ngưỡng qua các con số. Người Lô Lô ở Lũng Cú (Đồng Văn) lấy mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn người Lô Lô ở Mèo Vạc lại chọn con số 3, hoặc là 3 củ hành, 3 củ tỏi, hoặc có thể là 3 lá rau… Người Lô Lô ở Lũng Cú kiêng chuyện nhổ trộm tỏi mà không nhổ hết, bị đứt vì họ cho rằng như thế sẽ gặp điềm gở, không tốt. Nếu chẳng may nhổ không đứt thì chớ có cố mà nhổ lên. Tốt nhất là bỏ đi ngay, tìm “vận may” khác.
Điều thú vị là người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, càng không muốn chủ nhà bắt được. Họ cứ âm thầm, lặng lẽ đi, có gặp người quen cũng không chào, coi như không hề quen biết. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được, cũng chả sao, chẳng ai trách móc gì. Vì ai cũng biết đó là phong tục truyền thống rồi. Lấy may xong, người Lô Lô đi lấy nước mới, dâng lên tổ tiên rồi mới được đun lên để uống.
Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô mộc mạc những rất hấp dẫn và đầy sức sống. Có lẽ đó là chính là sức mạnh để bộ tộc chỉ với vài trăm thành viên tồn tại vững trãi hàng nghìn năm nơi địa đầu của tổ quốc.
Cả bản đi “trộm” như đi hội
Giống như "những người anh em" Lô Lô, người Dao đỏ ở huyện biên giới Phong Thổ, Lai Châu, cũng đi "ăn trộm" đầu năm để lấy may. Thậm chí nhiều gia đình còn treo rau, củ, quả, thịt lợn trước hiên để giúp cho dân bản "ăn trộm" được dễ dàng. Theo người già ở xã Sì Lờ Lầu (Phong Thổ) thì tục ăn trộm ngày Tết đã có từ nghìn năm trước. Và chỉ diễn ra trong ngày Tết. Vui nhất là đêm giao thừa, sau khi làm nghi thức cúng lễ gia tiên, từ mảnh vườn đến gác bếp sẽ xuất hiện bóng dáng của những tên trộm.
Cũng như nhiều dân tộc khác, đối với người Dao đỏ ở Phong Thổ thì đêm giao thừa là đêm đặc biệt nhất trong năm. Nó là sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là khi trời đất giao hòa. Đêm đó, cả làng đều thức. Các cụ bà cùng trẻ em bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran; các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu; thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài củ hành, miếng thịt. Họ đinh ninh rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, làm ăn phát đạt.
Người nào càng ăn trộm được nhiều thì người đó năm tới càng may mắn, làm nương được mùa, đi rừng bắt được con thú to, chăn nuôi không bị dịch bệnh và gia đình mạnh khỏe. Gia đình nào bị “trộm” viếng thăm nhiều và bị mất nhiều đồ thì năm đó gia đình ấy không may mắn. Nếu tên “ăn trộm” đang “hành nghề” mà bị gia đình phát hiện thì bị phạt uống một bát rượu. Còn nếu ăn trộm thành công, gia chủ phải mang “chiến lợi phẩm” đến nhà gia chủ để xin thưởng. Vật thưởng cho tên ăn trộm tài ba cũng chỉ là chai rượu hoặc miếng thịt sấy khô.
Ông Phàn Mứ Sông (67 tuổi, ở Sì Lờ Lầu) kể, người Dao đỏ cứ đến ngày Tết là tập trung thành tốp, thành đàn đi ăn trộm. Cả xã, già, trẻ, gái, trai đều đi ăn trộm, không trừ một ai. Những thứ có thể ăn trộm được trong ngày rằm tháng Giêng này là: Cây hành, cây tỏi, thịt treo gác bếp và rượu. Người nào càng ăn trộm được nhiều thì người đó năm tới càng may mắn, làm nương được mùa, đi rừng bắt được con thú to, chăn nuôi không bị dịch bệnh và gia đình mạnh khỏe.
Theo lý của người Dao đỏ, vào cái đêm cả bản thành “người ăn trộm” và “người phòng chống ăn trộm” ấy nếu tên “ăn trộm” đang “hành nghề” mà bị gia đình phát hiện thì bị phạt uống một bát rượu. Còn nếu ăn trộm thành công, “tay trộm” phải mang “chiến lợi phẩm” đến nhà gia chủ để xin thưởng. Vật thưởng cho tên ăn trộm tài ba cũng chỉ là chai rượu hoặc miếng thịt sấy khô.
Phạt “trộm” bằng… rượu
Cách Sì Lờ Lầu không xa, xã biên giới Dào San (Phong Thổ - Lai Châu) cũng còn lưu truyền lại tục ăn trộm kỳ thú này. Nhưng phong tục "ăn trộm lấy may" của đồng bào ở hai xã này có chút khác nhau. Nếu như người Dao đỏ ở Sì Lờ Lầu đi ăn trộm theo đúng nghĩa “ăn trộm”, lặng lẽ, không rủ nhau, không để chủ nhà bắt được; và đã trộm là phải trộm “tận gốc”, như nhổ tỏi thì không nên để bị đứt thì với người Dao đỏ ở Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu) thì tục đi ăn trộm ngày Tết phải khua chiêng, gõ mõ, thanh la cho cả bản biết. Ai bắt được trộm thì phạt tới phạt lui... bằng rượu cho tới say.
Theo lời các cụ cao niên ở đây thì họ cũng không biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết là từ xưa, xưa lắm. Giờ, cứ nhập nhoạng tối 30 tết là đám thanh niên, trai tráng trong bản tự họp nhau lại, đánh chiêng, đánh trống rồi rầm rầm kéo nhau đi "ăn trộm". Đoàn "trộm" đi đến đâu, cả bản đều biết. Đến mỗi gia đình, mọi người trong đoàn lại "túm năm tụm ba" bàn tính kế sách để "ăn trộm".
Thông thường, đoàn "ăn trộm" đó sẽ chia làm nhiều nhóm, nhóm vào nhà tìm thịt, nhóm ra vườn rau, mỗi nhóm tiếp cận một cách khác nhau. Dù gia chủ có phòng bị thế nào cũng khó tránh khỏi mất trộm. Tuy vậy nhưng cả trộm lẫn chủ đều vui, từng chai rượu cứ thế được mở ra, để thưởng, để phạt nhau. Tiếng cười vang cả núi...
Người Lô Lô đón Tết
Theo lời các cụ cao niên ở Mồ Sì San, hương ước của bản không có, nhưng tục đã qua nghìn mùa lá vàng rụng. Vậy ai ai cũng tuân thủ như một. Của cải lấy trong đêm chỉ là rau, củ quả, và thịt treo gác bếp... Ai động chạm vào đồ khác, coi như tội phạm thật, chứ không phải cuộc chơi nữa, mà đã là tội phạm thì không những bị bản “cạch” mặt mà còn bị mang ra chính quyền, công an xử lý.
Người Dao đỏ ở Mồ Sì San trọng khách, trọng chủ. Những gì thuộc về tục của đồng bào thì họ tối thượng đề cao, gìn giữ. Du xuân mà “ăn trộm” được nhiều thứ vào tối hôm đó, thì coi như cả năm hên. Gia chủ nào mà bị thiệt nhiều rượu, do bị “trộm” phạt lại là cả năm xui xẻo.
Chính vì thế mà những đêm “ăn trộm” du xuân ở những xã biên giới Phong Thổ vui đến nghiêng ngả chủ khách. Bởi “phi vụ” này cả người mất của lẫn những người “ăn trộm” chẳng hề giận nhau mà chỉ chuốc những bát rượu xuân để hả hê cười trong vòng tay của những người dân bản.
Bên cạnh phong tục "ăn trộm lấy may", người Dao đỏ ở Phong Thổ còn một nghi thức không thể thiếu vào đêm giao thừa, đó là vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chủ nhà sẽ đốt một bó đuốc, một tay cầm đuốc rực lửa, một tay cầm con dao sắc to bản đi từ nhà ra ngõ. Vừa đi, vừa khấn để xua đuổi tà ma, rủi ro, vận hạn. Sau lời khấn ngoài cổng, vẫn cây đuốc cháy sáng và con dao sắc trong tay, chủ nhà quay trở vào, vừa đi vừa cầu may, cầu phúc, đón lộc theo vào. Cùng lúc đó, trẻ nhỏ trong nhà quây quần bên bếp lửa đốt những ống nứa lép tép còn tươi tạo ra tiếng nổ xua đuổi tà ma và những điều xấu xa khỏi nhà, ra khỏi đầu, cầu cho năm mới sáng dạ thông minh, trưởng thành hơn năm cũ.
Mặc dù giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và nhiều phong tục, tập quán đón Tết của đồng bào Dao Phong Thổ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Những tập tục ấy, nó đã góp phần dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của đất nước Việt Nam.