Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Đa số đại biểu tán thành với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Tống Toàn| 23/05/2014 17:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 22/5, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với các dự thảo Luật đưa ra.

Các đại biểu tại các tổ khi tham gia phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã bày tỏ sự tán thành với những nội dung đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án luật này. Cụ thể, nhiều ĐBQH đồng tình với nội dung điều luật tại Chương II - TANDTC (từ Điều 10 đến Điều 18).

Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) tán đồng với quy định của Dự thảo, TANDTC không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về tổ chức (quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...); xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, bổ sung nhiệm vụ đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Đa số đại biểu tán thành với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh Đỗ Văn Đương phát biểu tại tổ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhiều ĐBQH cũng đồng tình với Dự thảo Luật quy định việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TANDTC theo hướng tinh gọn với Hội đồng Thẩm phán TANDTC có từ 13-17 Thẩm phán TANDTC. Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, hoạt động xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được đổi mới theo hướng có HĐXX gồm 5 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC.

Đặc biệt, quy định của Dự thảo về TAND sơ thẩm có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Toà án (như TAND cấp huyện hiện nay) và giải quyết các loại việc khác theo quy định của pháp luật (như xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND) được nhiều đại biểu có ý kiến. Theo đó, về cơ cấu tổ chức, Dự thảo quy định tương tự như cơ cấu tổ chức của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. TAND sơ thẩm có các Tòa chuyên trách bao gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên, đồng thời lập thêm Toà giản lược để thực hiện nhiệm vụ xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

Việc thành lập các Tòa chuyên trách ở TAND sơ thẩm phải tùy thuộc vào quy mô về công việc và đội ngũ Thẩm phán, công chức của từng đơn vị Tòa án; ở những đơn vị có số lượng công việc lớn, biên chế nhiều thì có thể thành lập Tòa chuyên trách. Ngược lại, nếu có số lượng công việc không nhiều thì chỉ bố trí Thẩm phán chuyên trách để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa hành chính, Tòa lao động, Tòa kinh tế, Tòa gia đình và người chưa thành niên và Tòa giản lược... Việc thành lập Tòa chuyên trách cụ thể nào trong số các Toà chuyên trách nêu trên ở mỗi TAND sơ thẩm do Chánh án TANDTC quyết định.

Chương VII - Thẩm phán cũng được nhiều đại biểu đồng tình. Các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán; tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự, thủ tục bổ nhiệm Thẩm phán đã được bổ sung, sửa đổi để đáp ứng yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của Thẩm phán nhằm xây dựng đội ngũ Thẩm phán trong sạch, vững mạnh theo yêu cầu cải cách tư pháp và phù hợp với quy định của Hiến pháp mới về việc TAND được giao thực hiện quyền tư pháp đã được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật. Chế định Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án khác; kéo dài hơn nhiệm kỳ của Thẩm phán đã khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định về nhiệm kỳ Thẩm phán hiện nay.

Bên cạnh đó, trong Dự thảo quy định chỉ thành lập một Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các ứng viên được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán giữa các địa phương, khu vực trong cả nước. Việc quy định này, theo ý kiến của một số đại biểu khẳng định, lãnh đạo Tòa án sẽ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, tư cách đạo đức, lối sống của Thẩm phán để bảo đảm các Thẩm phán thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý; kịp thời phát hiện những Thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng trách nhiệm của Thẩm phán để kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn và đề nghị Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cần làm rõ hơn nữa nội dung các chức danh tư pháp. Theo các đại biểu chỉ nên quy định: Ở TAND sơ thẩm khu vực, cấp tỉnh chỉ gọi là Thẩm phán chứ không nên gọi là Thẩm phán sơ cấp, còn ở cấp cao nhất gọi là Thẩm phán tối cao thay vì Thẩm phán TANDTC.

Các đại biểu cũng đồng tình đề xuất tại Dự thảo quy định tuổi về hưu với Thẩm phán là 65, và kiến nghị nên lấy ý kiến HĐND trong việc bổ nhiệm Thẩm phán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Đa số đại biểu tán thành với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)