Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã họp kỳ họp tháng 5, một số vấn đề nghiệp vụ đã được đưa ra xem xét tại kỳ họp này. Báo Công lý giới thiệu nội dung một số vụ án vừa được Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải quyết.
Sai lầm về xác định quan hệ tranh chấp và xác định quan hệ nhân quả
Vụ kiện giữa nguyên đơn Nguyễn Thị H với bị đơn Trần văn T có yêu cầu bồi thường thiệt hại về một số mía bị hư hỏng do không vận chuyển đi tiêu thụ được.
Bà H trình bày: Gia đình bà vẫn thường vận chuyển mía qua con đường rộng 4 mét, cạnh rẫy của gia đình ông T. Ngày 7/1/2012, bà đã vận chuyển được 3 xe ô tô mía đi tiêu thụ thì gia đình ông T đào hố trồng mía làm con đường thu hẹp chỉ còn 2 mét. Còn 18 tấn mía của gia đình bà bị hỏng do không vận chuyển đi được. Ngày 28/5/2012, bà H khởi kiện yêu cầu buộc ông T bồi thường 65 triệu đồng về số mía bị hỏng.
Ông T trình bày: Gia đình ông nhận chuyển nhượng đất rẫy của bà Triệu Thị L. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ con đường đi bên cạnh đất nhà ông rộng 2 mét. Ông đào hố trồng mía trong đất nhà ông, vẫn chừa lại 2 mét đường đi. Ông không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bà H.
Trước khi có khởi kiện nêu trên thì chính quyền địa phương đã hòa giải giữa ông T và 6 hộ sử dụng đất liên quan. Ông T đã đồng ý chừa lại đường đi rộng 4 mét như cũ để sử dụng chung.
Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc ông T bồi thường cho bà H 27.445.000 đồng. Cả hai bên đương sự kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà H đòi ông T bồi thường thiệt hại.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Bà H có đơn yêu cầu xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/2017/DS-GĐT ngày 09/5/2017, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy Bản án phúc thẩm, Bản án sơ thẩm, giao xét xử sơ thẩm lại với nhận xét: Cần làm rõ việc chuyển nhượng đất của bà L cho ông T là chuyển nhượng toàn bộ đất hay vẫn chừa lại đường đi. Cần phải đưa bà L vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Quyết định giám đốc thẩm số 12/2017 nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Tại phiên họp ngày 22/5/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy quyết định giám đốc thẩm số 12/2017 nêu trên, giữ nguyên Bản án phúc thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm số 12/2017 và Bản án sơ thẩm đã có một số sai lầm cần rút kinh nghiệm như sau:
Vụ án này chỉ có yêu cầu bồi thường thiệt hại 65 triệu đồng về số mía bị hỏng. Phạm vi xét xử của Tòa án chỉ là yêu cầu đòi bồi thường 65 triệu đồng. Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn không làm phát sinh một quyền dân sự hay nghĩa vụ dân sự gì cho bà L (người đã chuyển nhượng đất cho ông T). Vì vậy, không thể đưa bà L vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) như nhận xét của quyết định giám đốc thẩm số 12/2017. Bà L nếu có được triệu tập thì chỉ có thể tham gia với tư cách người làm chứng.
Đây là vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không phải là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Các chứng cứ cần thu thập phải trên cơ sở những vấn đề phải chứng minh của vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Sự kiện gây thiệt hại mà nguyên đơn nêu ra là ngày 07/01/2012, thuộc thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 nên pháp luật áp dụng là Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Mục 1 Phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Theo quy định của pháp luật nêu trên thì một trong các yếu tố (4 yếu tố) phát sinh trách nhiệm bồi thường là:
-Có hành vi trái pháp luật;
-Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.
Quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã được nêu rõ trong Nghị quyết 03/2006 là “Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật”.
Thực tế của vụ án, nếu không vận chuyển được bằng ô tô thì bà H có thể vận chuyển mía bằng các phương thức khác. Việc mía bị bỏ cho hỏng không phải là kết quả tất yếu của hành vi đào hố thu hẹp đường đi của ông T. Rõ ràng là không có quan hệ nhân quả giữa hành vi của ông T với thiệt hại. Chỉ riêng tình tiết này đã đủ cơ sở không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của bà H; không cần phải xét hành vi của ông T có phải là hành vi trái pháp luật hay không.
Thực tế, ông T trồng mía trong phạm vi đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Hành vi làm hẹp đường đi mọi người đang sử dụng là không thiện ý nhưng không phải là hành vi trái pháp luật.
Thỏa thuận về đất mà không có xác nhận của cấp có thẩm quyền có hợp pháp không? Đã thực hiện thỏa thuận rồi có quyền thay đổi không?
Ngày 14/4/2002, bà Nguyễn Thị H ký kết hợp đồng với ông Võ Văn C với nội dung: Bà H chuyển nhượng cho ông C 945m2 đất để ông C thực hiện dự án xây dựng khu dân cư. Ông C sẽ trả bà H diện tich đất ở trong khu dân cư với diện tích bằng 60% diện tich đất ông C đã nhận. Hợp đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân thị trấn ngày 17/4/2002.
Ngày 6/3/2013, bà H khởi kiện yêu cầu ông C trả bà giá trị diện tích đất đã chuyển nhượng là 4.725.000.000 đồng.
Ông C trình bày: Do UBND điều chỉnh diện tích đất ở tại khu dân cư nên không có đất thực hiện giao trả bà H theo hợp đồng. Ông và bà H đã thỏa thuận trả bằng tiền với giá 1 tỷ đồng. Ông nhờ ông Lâm Văn Q chuyển tiền trả bà H. Bà H đã nhận đủ tiền ngày 12/6/2006 từ ông Q. Do đó, ông không còn nghĩa vụ phải thanh toán cho bà H.
Ông Q trình bày: Ông có thỏa thuận sẽ nhận chuyển nhượng lại diện tích đất mà ông C trả bà H nên ông đã trả thay ông C1 tỷ đồng cho bà H ngày 12/6/2006, nhưng sau đó không còn đất nên ông đã nhận tiền từ ông C 1 tỷ đồng ngày 18/7/2006. Khi tranh chấp nợ giữa ông và ông C tại TAND quận X, hai bên cũng đã có xác nhận việc giao nhận 1 tỷ đồng liên quan đến bà H như nêu ở trên.
Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bà H, buộc ông C trả bà H 4.725.000.000 đồng. Ông C kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã bác yêu cầu của bà H. Bà H có đơn yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Chánh án TAND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 214/2016/DS-GĐT ngày 7/9/2016, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã hủy Bản án phúc thẩm, giao xét xử phúc thẩm lại với lý do: Bà H trình bày bà đã trả lại ông Q 1 tỷ đồng và ông Q cũng xác nhận đã nhận lại 1 tỷ đồng. Ông C không có chứng cứ đã trực tiếp giao tiền trả bà H. Do đó, cần xác định lại giá trị đất được bồi thường để xem xét yêu cầu của bà H.
Quyết định giám đốc thẩm số 214/2016 nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Tại phiên họp ngày 22/5/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Quyết định giám đốc thẩm số 214/2016 nêu trên, giữ nguyên Bản án phúc thẩm. Từ nhận định của Kháng nghị và nhận định của Hội đồng Thẩm phán, có một số vấn đề nghiệp vụ cần rút kinh nghiệm như sau:
Về đánh giá chứng cứ để xác định sự kiện pháp lý giao nhận 1 tỷ đồng:
Tại Giấy biên nhận ngày 18/7/2006, bà H đã ký nhận số tiền 1 tỷ đồng nhận từ ông Q. Tại Tờ tự khai ngày 20/5/2011 (khi chưa khởi kiện vụ án này), bà H đã khai “Do ông C không có đất thổ cư để giao lại cho tôi…theo như hợp đồng thỏa thuận đã được chứng thực chữ ký hai bên tại UBND thị trấn… ngày 14/4/2002 nên thông qua ông Q hai bên đã thương lượng và tôi đồng ý sang nhượng lại phần đất nêu trên với giá 1 tỷ đồng và ông Q đã giao đủ cho tôi 1 tỷ đồng theo biên nhận ngày 18/7/2006. Tôi đã nhận đủ tiền sang nhượng đất và không thắc mắc gì khác”. Trong khi đó, ông Q có biên nhận ngày 20/7/2006 ghi rõ “Tôi: Lâm văn Q có nhận của Võ Văn C số tiền 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) gởi trả cho chị H phần đất khoảng 1000m2 tại khu phố 6”. Với các lời khai như trên, sự kiện bà H nhận 1 tỷ đồng từ ông Q vào tháng 7/2006 đã được chính bà H và ông Q mô tả rõ sự thống nhất ý chí với ông C là tiền của ông C thanh toán tiền chuyển nhượng đất theo hợp đồng ngày 14/4/2002.
Về hiệu lực pháp lý của thỏa thuận trả bằng tiền thay cho thỏa thuận trả bằng đất trong hợp đồng ngày 14/4/2002:
Hợp đồng ngày 14/4/2002 là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong đó, điều khoản thanh toán là trả bằng đất (chưa được xác định cụ thể ở thời điểm giao kết). Do trở ngại khách quan, không có đất để trả nên đã có thỏa thuận mới là trả bằng tiền. Thỏa thuận mới này cũng giao dịch về quyền sử dụng đất nên cũng phải tuân thủ quy định hình thức của hợp đồng về quyền sử dụng đất (bằng văn bản và có xác nhận của cấp có thẩm quyền). Thỏa thuận trả bằng tiền giữa bà H và ông C chưa tuân thủ hình thức theo quy định. Nếu bà H chưa nhận tiền của ông C thì bà H hoàn toàn có quyền thay đổi thỏa thuận.
Tuy nhiên, bà H đã nhận tiền của ông C. Lời khai ngảy 20/5/2011 nêu trên của bà H thể hiện bà đã nhận số tiền đúng với giá trị đất chuyển nhượng ở thời điểm nhận tiền. Quyền lợi của bà H từ hợp đồng ngày 14/4/2002 đã đảm bảo. Do vậy, không có cơ sở để ấn định ông C phải có thêm nghĩa vụ với bà H. Việc có hay không có việc bà H trả lại tiền cho ông Q không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của ông C nên quyết định giám đốc thẩm số 214/2016 hủy Bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại là không cần thiết.