Cha bị địch bắt tù đày, mẹ bị địch bắn chết, 3 người con trai tuổi còn thơ dại dắt díu nhau tránh đạn lạc. Nào hay đó cũng là ngày anh em lưu lạc mỗi người một phương.
Sau giải phóng, người cha đã tìm được người con sau 44 năm bặt tin. Chuyện như cổ tích nhưng lại có thật và khiến nhiều người phải rơi nước mắt….
Chiến tranh loạn lạc
Dù đã 82 tuổi nhưng ông Nguyễn Não (SN 1933, thương binh 3/4, trú xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn minh mẫn để kể rành rọt câu chuyện rất đặc biệt của gia đình mình. Năm 1958, ông kết hôn với bà Võ Thị Nghi (SN 1937). Sau đó, vợ chồng ông sinh được 4 người con trai, đặt tên lần lượt là Nguyễn Sâm (SN 1959), Nguyễn Nhung (SN 1962), Nguyễn Bổ (SN 1965), Nguyễn Dũng (SN 1969). Tuy nhiên, do bệnh tật, người con trai Nguyễn Bổ mất khi chưa đầy 2 tuổi.
Trong khoảng thời gian này, Phú Ninh là một trong những khu vực bị địch bắn phá ác liệt. Cũng như những người con của quê hương, đầu năm 1965, ông tham gia vào đội du kích của xã Tam Lộc. Năm 1969, ông bị địch bắt vì tham gia hoạt động cách mạng và đưa ra giam cầm ở nhà tù Côn Đảo.
Sau khi ông Não bị bắt vài tháng, trong một trận càn bà Nghi bị địch bắn chết tại đồi 35 (thuộc xã Tam Phước, Phú Ninh). Hôm đó, Phú Ninh như một chảo lửa, lùng sục mãi không tìm thấy các chiến sĩ cách mạng, lính Mỹ đã bắt tất cả người dân trong làng dồn lên đồi 35 đã cài sẵn mìn trên đó. Hàng chục người dân vô tội đã bị chết do giẫm mìn trên đồi hoặc hứng chịu những phát đạn của lính Mỹ. Cũng trong làn mưa đạn ấy, 3 người con trai của ông Não dắt díu nhau chạy trốn rồi bị lạc mất người em út là Dũng.
Ông Nguyễn Não hạnh phúc khi tìm được con
Chiến tranh kết thúc, cựu tù Côn Đảo Nguyễn Não trở về quê. Trong niềm vui đất nước hòa bình hôm ấy, ông mang nặng nỗi buồn khi mất vợ và thất lạc các con. Sau khi ổn định cuộc sống và tham gia công tác địa phương, ông bắt đầu dò hỏi để tìm 3 người con trai. Tháng 11/1975, ông đã tìm được hai người con Sâm và Nhung, riêng con út Nguyễn Dũng ông đã dò hỏi khắp nơi nhưng không một ai biết tin tức. Cứ mỗi lần nghĩ đến con, ông Não đứt từng khúc ruột. Ông nhớ như in hình ảnh người con trai út bấu chặt tay ông, níu lấy vạt áo ông không chịu rời. Vì địch đã bố ráp đến nơi nên ông dứt tay con ra bảo: “Con thả ra cho cha đi, không thôi giặc bắt cha mất”. Cậu bé mới 2 tuổi nên không hiểu chiến tranh là gì, khóc thảm thiết khi cha ra đi. Cũng trong ngày chia tay vợ con hôm ấy, ông Não đã bị địch bắt.
Thời gian trôi qua, dù bận nhiều công việc nhưng ông Não vẫn không thôi ý định tìm người con trai út của mình. Hễ nghe nói ở đâu có người mồ côi, mong muốn tìm cha thì dù xa đến mấy, có khó khăn đến đâu ông cũng cố gắng tìm tới. Không tiền, không xe máy, những cuộc hành trình tìm con của ông luôn bên cạnh là chiếc xe đạp cũ. Và rồi không biết bao lần ông phải hụt hẫng, lặng lẽ đạp xe mấy chục cây số ra về trắng tay cùng nỗi đau đáu nhớ về con.
Cha con trùng phùng
Trong một buổi trưa nằm ngủ, ông lại mơ thấy vợ ông bảo: "Thằng Dũng còn sống, cho người ta đem vô Đồng Xoài (Bình Phước) nhưng mà có người dẫn về lại Hội An rồi. Dũng đã thay tên đổi họ, đầu tóc bạc trắng". Ông Não hỏi vợ: "Hội An nhưng mà là chỗ nào?", bà đáp rất rõ: "Ở làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim".
Tỉnh dậy, ông Não bàng hoàng bởi giấc mơ kỳ lạ. Dù không nói cho ai biết nhưng ông tin giấc mơ là điều có thật. Thế nhưng, Hội An thì xa mà ông lại không có đủ tiền để đi tìm con. Thấy ông cứ khắc khoải việc tìm con nhưng mà chưa thực hiện ý định, người vợ sau của ông, bà Nguyễn Thị Nhung giục ông: “Ông đi tìm con đi chứ, gần cả năm rồi đâu có ai đến tìm ông”. Sáng hôm sau, ông chuẩn bị một bộ quần áo, bà Nhung gói theo cho ông nải chuối chín. Người con gái (con của ông với bà Nhung) đưa thêm cho ông 200 ngàn đồng và 2 hộp sữa để ông lên đường tìm con trai. Đó là một ngày giữa tháng 4/2012.
Vợ chồng anh Châu (Nguyễn Dũng), người con thất lạc gia đình 44 năm
Ông Não bắt xe ra đến Hội An. Trên chuyến phà về xã Cẩm Kim hôm ấy, nghe ông kể chuyện đi tìm con, người lái đò thương ông đã không lấy tiền cước. Vừa đặt chân lên đất Cẩm Kim, ông Não may mắn được một anh xe ôm chở đi tìm con. Vì ông không biết con trai mình tên gì, ở thôn nào nên anh xe ôm đành gọi điện cho ông Tâm - Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã để nhờ giúp đỡ. Khi họ vào nhà ông Tâm thì nghe vợ ông Tâm bảo, ở thôn 3, xã Cẩm Kim có anh Trần Văn Châu thường xuyên vào miền Nam tìm cha. Thế là ông Não đến nhà ông trưởng thôn và ông trưởng thôn dẫn ông Não đến nhà anh Trần Văn Châu, thôn 3.
Khi ông Não đến nhà anh Châu thì chỉ có vợ con anh Châu ở nhà, còn anh Châu đi làm ở bên nội thành Hội An. Cháu Trần Văn Sơn, con trai anh Châu vội vã chạy đi báo tin cho cha biết. Nghe con bảo có một ông cụ ở Phú Ninh đi tìm con trai thất lạc đến nhà để gặp mình, anh Châu run bắn người và vội vã chạy về nhà. Bước vào nhà, anh vừa giở mũ bảo hiểm ra thì ông Não buột miệng nói “Mẹ con nói đầu con bạc trắng”. Rồi không ai nói với ai, hai cha con ôm chầm lấy nhau và khóc.
Đồi 35, nơi vợ ông Não bị địch bắn.
Chúng tôi hỏi ông Não, vì lý do gì mà ông tin rằng anh Châu chính là con mình. Ông Não trả lời rất rõ ràng, rằng, ông không chỉ dựa vào lời báo mộng của vợ mà ông dựa vào hình ảnh, đặc điểm riêng biệt của đứa con trai trong tâm trí ông. Thứ nhất, anh Châu có một cái xoáy tóc phía trước trán. Thứ hai, ngón chân áp út bên phải của anh Châu bị teo và quắp xuống so với các ngón khác. Ông Não nhớ lại, khi anh Châu còn bé, bà Nghi, vợ ông Não bảo với ông: “Sao ngón chân của con mình lại nhỏ thế này?”, ông trả lời: “Khi con lớn thì ngón chân đó cũng lớn thôi”… Thứ ba, khuôn mặt anh Châu tròn và giống khuôn mặt của anh Sâm, con đầu của ông. Ngay cả cháu Sơn, con trai của anh Châu cũng rất giống một cháu nội của em ông.
Còn anh Châu thì cho biết, khi vào nhà nhìn thấy ông Não, dù chưa nghe rõ ngọn ngành hành trình đi tìm con của ông cụ nhưng trong anh có một cảm giác, niềm tin rất mạnh mẽ rằng đó chính là cha mình. Hôm đó, người dân khắp thôn 3 xã Cẩm Kim vỡ òa bởi hạnh phúc bất ngờ của hai cha con anh Châu.
Ông Não và vợ chồng anh Châu đều cho biết, việc cha con họ gặp được nhau là hạnh phúc lớn nhất đời của họ. Điều mà họ mong muốn nhất bây giờ là cơ quan chức năng giúp anh Châu nhanh chóng trở về với tên, họ mà cha mẹ đã đặt cho anh. Mong muốn đó cũng là điều chính đáng để câu chuyện trùng phùng có hồi kết tốt đẹp.