Kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ nhưng chưa nghiêm

Mai Thoa| 26/07/2021 15:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 26/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

toan-canh.jpg

Kỷ cương tài chính, ngân sách chưa nghiêm

Phát biểu thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát quyết định của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ cùng nỗ lực và phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu, kế hoạch đạt và vượt mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho khả năng hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu của kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 nếu không xảy ra đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp điều hành thu, chi ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, đáp ứng nhu cầu chi, bội chi, giảm nợ công trong giới hạn cho phép. Cơ cấu lại ngân sách có kết quả nhất định.

Nhiều ý kiến cho rằng kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm như giao dự toán, thu chi không sát, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, kê khai thiếu thuế vẫn diễn ra; nợ đọng thuế lớn; chi thường xuyên cao hơn mục tiêu phấn đấu; nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chi sai chế độ, định mức, khả năng trả nợ chưa được cải thiện; quy mô nợ nần vẫn tăng, chuyển nguồn lớn, kết quả thực hiện kết luận kiểm toán chưa cao, thấp hơn so với năm 2018.

Một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả cao, như đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại ngân sách nhà nước chưa đảm bảo yêu cầu.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2019 là năm Việt Nam đạt được nhiều thành tựu toàn diện nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt được tăng trưởng trên 7%, năm 2019, Việt Nam đảm bảo được các khoản cân đối lớn cho nền kinh tế, kiểm soát được lạm phát, thặng dư thương mại lớn, xuất siêu.

qh-pl.jpg

Đại biểu đánh cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tiết kiệm các khoản chi. Trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy, tổng thu ngân sách đã tăng 10,1%, chi ngân sách giảm được 6,5%.

Nhờ thu tăng chi giảm, bội chi ngân sách từ 3,6% GDP xuống còn 2,67% GDP nên nợ công giảm còn 55% GDP. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là nỗ lực cần phải được tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, cần tính toán lại định mức chi ngân sách giai đoạn 2016-2021.

Định mức này cơ bản phù hợp với cả nước, nhưng đối với các tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, quá trình thực hiện có những điểm chưa phù hợp theo tiêu chí vùng, tiêu chí dân số. Nội dung này chưa bao quát được các yếu tố đặc thù khác như vùng cao, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, các xã nghèo, bản đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, khi tính toán xây dựng định mức chi giai đoạn 2022-2025, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung thêm các yếu tố nêu trên, ngoài mức chi bình quân phải cộng thêm các chỉ tiêu hoặc hệ số đối với các địa phương có tính chất đặc thù để đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương đạt mức chi bình quân vùng và tối thiểu không thấp hơn mức trần chi ngân sách năm 2020.

Phải khắc phục sự lãng phí tài nguyên

Liên quan đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, các đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên. Rà soát, thống kê lại diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, nhà ở, đất đô thị chưa sử dụng sử dụng không đúng mục đích đất nhà công sản. Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài bị đội vốn. Các dự án treo kéo dài nhiều năm, không có hiệu quả và hiệu quả thấp để có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước nhằm giành nguồn, đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương, phòng chống dịch COVID-19. Khai thác và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định, với phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, đi kèm theo đó là những quy định về thể chế, định mức, tiêu chuẩn, chế độ ban hành nhiều văn bản, năm 2020 Chính phủ đã thực hiện nhiều nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đạt được một số kết quả tích cực.

ngan-tran.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số tồn tại trong liên quan đến mua sắm tài sản công, cải cách hành chính, tinh giản biên chế... Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu, chúng ta cần phải tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ hai là thể chế phải chặt chẽ, khả thi; phân công, phân cấp phải rõ ràng.

Trong các nội dung về tiết kiệm, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII về phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương, Quốc hội đã ngày càng đưa nhiều nội dung này vào trong các văn bản pháp luật.

Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương triệt để sẽ giảm đi nhiều khâu, trung gian, nhiều thủ tục và quan trọng hơn là giảm thời gian đi lại từng địa phương ra Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ nhưng chưa nghiêm