Ngày 1-11-2011, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7692 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh Kon Tum có công văn trả lời với nội dung hoàn toàn ngược lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, nguồn gốc 3.160m2 đất trên đường Lê Lợi, Tp. Kon Tum là của vợ chồng ông Lê Xuân Phương, bà Nguyễn Thị Tri mua lại trước giải phóng và có xác nhận của chính quyền chế độ cũ. Trong quá trình sử dụng, gia đình ông Phương đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế thổ trạch. Ngày 25-9-1983, UBND thị xã Kon Tum, tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ) đã ban hành Quyết định số 137 trưng thu toàn bộ diện tích đất trên của gia đình ông Phương. Sau khi trưng thu, UBND thị xã Kon Tum không ra văn bản giao cho UBND phường quản lý sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, UBND phường Quyết Thắng đang sử dụng 960m2 để làm Hội trường khu phố và nhà mẫu giáo.
Hội trường không còn nhu cầu sử dụng
Riêng Hội trường khu phố do không có nhu cầu sử dụng, nên từ tháng 12/2000- 6/2007, UBND phường cho Công ty Du lịch Kon Tum và ông Trịnh Tấn Bình thuê để kinh doanh dịch vụ và từ năm 2007 đến nay không sử dụng. Ngoài ra, năm 1992, UBND tỉnh Kon Tum còn cấp cho hai cán bộ tỉnh làm nhà ở diện tích 189m2, còn lại 1 lô diện tích khoảng 109m2 hiện để trống.
Gia đình ông Phương là gia đình cách mạng. Bản thân ông Phương trước đây tham gia Ban An ninh Kon Tum phụ trách B3. Ông Phương nhận thức đất rằng, đất của gia đình mình không phải là đối tượng bị điều chỉnh của Quyết định 111 ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính phủ cộng với gia đình có 10 người con rất khó khăn về nhà ở, cho nên, từ năm 1986, gia đình ông Phương đã làm đơn xin lại đất. Đến ngày 9-2-2009, UBND thị xã Kon Tum ban hành Quyết định số 86 và UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 203 ngày 5-5-2010 không công nhận nội dung khiếu nại của gia đình ông Phương
Việc bác đơn của UBND tỉnh Kon Tum là không thấu tình đạt lý. Bởi lẽ, UBND thị xã Kon Tum căn cứ vào Nghị định số 24 ngày 2-2-1976 và Quyết định số 201 ngày 1-7-1980 của Hội đồng Chính phủ trưng thu đất của gia đình ông Phương là không đúng thẩm quyền. Vì Nghị định số 24 ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền nhà nước cấp tỉnh. Còn tại điểm 2 phần I, Quyết định số 201 về thống nhất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước, không có hình thức “trưng thu đất”.
Trong khi các con của ông Phương còn khó khăn về nhà nhưng một phần diện tích đất gia đình ông bị trưng thu lại bỏ hoang. Bức xúc, ông Lê Tấn Sỹ (con của ông Phương) tiếp tục có đơn kêu cứu. Đơn của gia đình ông đã được Thanh tra Chính phủ xem xét.
Tại Kết luận thanh tra số 2712 ngày 7-10-2011, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị “xem xét lại khiếu nại của gia đình ông Lê Tấn Sỹ theo hướng giao lại cho gia đình 109,1m2 đất hiện chưa sử dụng, diện tích hội trường khu phố 2 do không có nhu cầu sử dụng; phần diện tích đã cấp cho cán bộ thì xem xét, giải quyết theo quy định tại điểm 3c mục V Quyết định 201 ngày 1-7-1980 của Hội đồng Chính phủ (đối với diện tích bị trưng thu theo Quyết định 137 ngày 25-9-1983 của UBND thị xã Kon Tum)”. Kiến nghị này được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý. Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7692 ngày 1-11-2011 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, truyền đạt ý kiến chỉ đạo này.
Bất ngờ, ngày 19-1-2012, UBND tỉnh Kon Tum có Công văn số 87 gửi ông Lê Tấn Sỹ. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum viện dẫn khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai để bác đơn gia đình ông Sỹ.
Việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum xem xét việc trả lại phần đất bỏ hoang và diện tích đất không sử dụng cho gia đình ông Sỹ là thấu tình đạt lý. Lẽ ra, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ban hành quyết định giải quyết theo hướng chỉ đạo này. Thế nhưng, UBND tỉnh Kon Tum lại ra công văn bác đơn.
Vậy là, trên chỉ đạo trả, dưới lại ra công văn không đồng ý. Không biết người dân dựa vào đâu? Câu trả lời này xin nhường lại cho cơ quan có thẩm quyền.
Văn Vũ