Với diễn biến của 2 tháng gần đây (tháng 7 và 8-2012) cho thấy nền kinh tế có những dấu hiệu lạc quan. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kinh tế 9 tháng 2012 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những mặt chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Kiểm soát được lạm phát
Để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất phát triển, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, qua đó, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế và cơ sở sản xuất kinh doanh đã và đang nỗ lực phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu vượt qua những cam go mà nền kinh tế đang phải đối mặt và đặc biệt là kiên trì với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo cùng tháo gỡ khó khăn
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2012 ước tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,77% của 9 tháng năm 2011. Nhìn chung, tuy tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng thấp hơn so với mức tăng 5,77% của 9 tháng năm 2011, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng trưởng này là hợp lý trong điều kiện cả nước tập trung thực hiện mục tiêu của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2012 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 5,13% so với tháng 12-2011. Sau 9 tháng, CPI tăng thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 8 năm trước đó... Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc chúng ta có thể kiểm soát lạm phát như mục tiêu đã đề ra của cả năm 2012. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, bởi lạm phát cao có thể sẽ lặp lại do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố. Thực tế cho thấy, CPI trong thời gian qua tăng thấp có một phần quan trọng do giá lương thực, thực phẩm giảm. Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm cuối năm thường có xu hướng tăng. Hơn nữa, các giải pháp theo Nghị quyết 13/NQ-CP cùng với liều lượng tăng lên và kéo dài thêm của các giải pháp đó (tạm ứng 30.000 tỷ đồng ngân sách 2013, nới tốc độ tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, tăng cung tiền hỗ trợ thanh khoản...) cũng sẽ góp phần đẩy sự gia tăng CPI trong những tháng còn lại của năm 2012.
Sản xuất kinh doanh có dấu hiệu tích cực
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua đã xuất hiện một số vấn đề cần giải quyết, đó là: Tăng trưởng thấp hơn của cùng kỳ hai năm trước ở cả 3 nhóm ngành, trong đó công nghiệp-xây dựng trong nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng cao và trở thành động lực, đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, thì nay đã tăng thấp hơn tốc độ chung, phục hồi chậm. Với tiến độ như 9 tháng, thì cả năm theo dự báo của Chính phủ có thể đạt 5,2%. Nếu đạt được tốc độ này, thì tăng trưởng kinh tế năm 2012 có thể thấp nhất tính từ năm 2000 đến nay (thấp hơn cả tốc độ tăng 5,32% của năm 2009). Và để đạt được tốc độ 5,2% thì quý IV phải tăng khoảng 6,6%. Theo các chuyên gia, giải quyết vấn đề này là điều không dễ.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, có thể thấy, những khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta trong 9 tháng vừa qua đang từng bước được tháo gỡ. Sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực. Kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định. Tăng trưởng ở mức hợp lý. Lạm phát được kiềm chế trong nhiều tháng. Tồn kho sản phẩm hàng hóa có xu hướng giảm dần. Đầu tư công được giám sát chặt chẽ hơn. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các ngành, các cấp tập trung quan tâm.
Thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp khi nhu cầu tiêu dùng và năng lực sản xuất của nhiều nền kinh tế lớn đang suy giảm. Ở trong nước, mục tiêu kiềm chế lạm phát gặp một số khó khăn do giá cả hàng hóa có nguy cơ tăng cao, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng tăng.
Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Theo kiến nghị của Tổng cục Thống kê, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, các ngành, các cấp cần tiếp tục nhiệm vụ quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và kiểm soát thị trường giá cả. Công tác chỉ đạo, điều hành cần đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của nền kinh tế lên trên hết để phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả, đồng thời luôn quan tâm đến lợi ích cộng đồng. Tránh để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các chính sách được ban hành, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô cũng như gây phiền hà, cản trở doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Cần phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Tiếp tục kiểm soát hợp lý luồng tiền, đặc biệt là tổng phương tiện thanh toán và thực hiện chính sách vốn vay ưu đãi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo để cùng Nhà nước tháo gỡ khó khăn, đồng thời, tranh thủ hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước trên cơ sở sử dụng kịp thời dòng vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, cần chủ động tìm hiểu nguyên nhân và thực hiện các giải pháp có tính khả thi nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp.
Để tạo sức hút và nhu cầu hàng hóa trên thị trường trong nước, cần tăng cường xúc tiến thương mại thông qua các chương trình triển lãm, hội chợ, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm phù hợp với từng thị trường nói trên về chủng loại, mẫu mã, chất lượng và giá cả.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước trong tháng 9 tăng mạnh 2,2% so với tháng 8, tăng 6,48% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 5,13% so với tháng 12-2011 cho thấy vẫn còn nhiều lo ngại. |
Bảo Nam