Sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ
Quốc hội thảo luận tại Hội trường
Hôm nay, 5-8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.
Trong báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Sau 4 tháng triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã cương quyết thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thắt chặt.
Nhờ vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đạt 38,3% GDP, giảm đáng kể so với mức 41,9% của năm 2010. Thị trường ngoại hối và tỷ giá khá ổn định, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, trả nợ nước ngoài cũng như nhu cầu hợp lý của người dân cơ bản được bảo đảm; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Việc ổn định được tỷ giá đã góp phần làm tăng lòng tin của xã hội, của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế nước ta.
Các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được tập trung triển khai tích cực. Các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, môi trường, hoạt động đối ngoại, quốc phòng, an ninh đạt nhiều kết quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cũng nổi lên nhiều khó khăn, thách thức, cần được phân tích kỹ, đánh giá làm rõ nguyên nhân để tập trung chỉ đạo sát sao hơn. Cụ thể là: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2011 tăng 13,29% so với tháng 12-2010, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm và áp lực tăng vẫn còn, rất khó khăn để giữ ở mức 17% vào cuối năm. Giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh và đột biến, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo cũng như những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng như đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ thì yếu tố chủ quan xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) là nguyên nhân chính.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và do lãi suất vay quá cao. Qua giám sát của Ủy ban Kinh tế, đa số các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, cả về việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn tăng quá cao, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Lãi suất tăng cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh cũng làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, không ít dự án bị đình hoãn hoặc có nguy cơ đình hoãn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu bị đình trệ và kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Nhập siêu 6 tháng đầu năm bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra cả năm là 18% nhưng chưa có tính bền vững. Công tác triển khai thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP còn không ít hạn chế.
Bên cạnh những thành tựu đạt được về bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân như đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, còn không ít vấn đề xã hội tồn tại từ nhiều năm gây nhiều bức xúc trong xã hội nhưng chưa có chuyển biến, thậm chí có mặt còn gia tăng đáng lo ngại. Cụ thể là: Tai nạn giao thông vẫn rất đáng báo động ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn xảy ra hàng ngày, trên phạm vi rộng chưa được cải thiện; tình trạng ngập úng tại nhiều đô thị vẫn chưa được giải quyết. Tình hình tội phạm vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, trong đó có tội phạm ma túy, băng nhóm xã hội đen.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến theo hướng tích cực, một số lĩnh vực có dấu hiệu trở lại quỹ đạo ổn định, nhưng tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2011 còn không ít khó khăn thách thức. Mặc dù việc thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã gây một số khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, cần tiếp tục kiên trì thực hiện một cách nhất quán và cương quyết.
T.Kiên