Hàng loạt các vụ việc dằn mặt tình địch trong chuyện tình yêu của nữ sinh Việt Nam trong thời gian gần đây bị phát giác đang làm dư luận vô cùng kinh hãi và phẫn nộ.
Những màn dằn mặt tình địch kinh hoàng
Một đoạn Clip dài hơn sáu phút ghi lại cảnh các nữ sinh cấp 2 đánh nhau, lột đồ, kêu gào rồi chửi bới vì ghen tuông đang làm cộng đồng mạng dậy sóng trong vài ngày gần đây. Xuất hiện trong đoạn video là 3-4 nữ sinh học lớp sáu, đeo khăn quàng đỏ xông vào đánh một nữ sinh khác. Với những lời lẽ trong video, có thể hiểu đây là màn trả thù vì tình riêng. Không chỉ đánh đập, các nữ sinh còn chửi bới, lột đồ rồi quay clip lại mặc cho bạn mình liên tục van xin, gào khóc. Sự việc làm cộng đồng kinh hoàng không chỉ bởi tuổi đời các em còn rất nhỏ để nghĩ đến chuyện đánh ghen mà hơn thế nữa, gần như không có một hành động can ngăn nào của người xung quanh. Không những vậy, những tiếng cổ vũ ‘đạp vào đầu nó đi, đạp vào đầu nó đi’ liên tục xuất hiện khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm giáo dục của nhà trường.
Nữ sinh lớp 6 bị đánh ghen, lột đồ trong đoạn clip mới bị tung lên mạng
Lớn tuổi hơn một chút nhưng cũng mới chỉ học lớp 9, nữ sinh Lê Thanh Trang (SN 1997) sẽ phải trả giá đắt cho màn trả thù kinh hoàng của mình. Sáng ngày 30/5/2012 khi đang học ở trường THCS Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, Trang đã gọi Trần Thị Hòa (SN 1997) và Phạm Thị Ngọc Ánh (SN 1997) ra ngoài. Bất ngờ Trang rút trong cặp ra một con dao nhọn và đâm liên tiếp vào người Hoài và Ánh. Hậu quả của việc này là nữ sinh Hoài bị chết trên đường cấp cứu, còn Ánh cũng phải nhập viện vì vết thương rất nặng.
Tháng 9/2012 là thời điểm dư luận cả nước xôn xao với một đoạn clip được tung lên mạng ghi lại cảnh đánh ghen của các nữ sinh Hà Giang. Một nữ sinh tên Thanh, học sinh lớp 12 tại Vị Xuyên (Hà Giang ) cùng 3 nữ sinh khác đã có màn đánh đập, chửi bới, lột đồ một nữ sinh lớp 11 trong trường. Theo lời khai của Thanh tại công an huyện Vị Xuyên, cô và nữ sinh tên H. có mâu thuẫn trong chuyện tình cảm. Thanh cho rằng H. dám quan hệ với người yêu mình nên rủ 3 bạn khác để phòng trọ của H. để dọa dẫm. Mục đích ban đầu chỉ để H. sợ nhưng sau khi đánh H. cả nhóm hung hăng hơn và đánh đập, lột đồ rất dã man.
Hung thủ không phải là học sinh nhưng nạn nhân lại là những học sinh cấp 3 tại một vụ việc kinh hoàng và bệnh hoạn tại Hà Nội vào tháng 12/2011. Hai nạn nhân tên N.Đ.X (SN 1994) và N.T.H (SN 1994) có quen với Dương Văn Bình (SN 1983, chồng Nụ) và Thích (SN 1988, người yêu của Huệ). Ngày 20/12/2011, H. và X. đã bị Nụ (SN 1989) và Huệ (SN 1992) dồn đánh đập dã man và cắt tóc nham nhở. Nhưng sự kinh hoàng cho dư luận không chỉ là ở đó bởi Nụ và Huệ đã ép H. và X. phải hôn ‘của quý’ của con trai Nụ để Huệ quay phim.
Báo động bạo lực học đường
Khi clip học sinh lớp sáu đánh ghen được tung lên mạng, đã có rất nhiều phản hồi mang tính phẫn nộ của cư dân mạng. Bạn có nickname ... Tho Trang cho biết: ‘Không đủ can đảm xem hết clip. Chúng nó còn nhỏ mà tàn bạo quá. Phải tìm ra lũ này và có cách dạy dỗ. Chứ bao nhiêu vụ xảy ra tương tự có giải quyết để răn đe được đâu. Có con độ tuổi này nên xem clip vô cùng bức xúc. Chuyện xảy ra trong lớp học mà nhà trường không ai hay biết thế này sao?’.
Bạn .... Mận bình luận: ‘Tôi không thể xem hết clip này! Giận học sinh! Cả đứa quay, đứa đánh và đứa bị đánh! Giận gia đình và nhà trường vô cảm đến mức không hề biết sự việc khi nó xảy ra! Phẫn nộ!’.
Khi mà ngày càng nhiều những vụ bạo lực học đường được phát giác người ta bỗng giật mình nhận ra, lứa tuổi học sinh thực hiện hành vi này ngày càng nhỏ đi. Theo số liệu của Bộ GD – ĐT trong mỗi năm học toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau cả trong và ngoài trường (trung bình 5 vụ/ngày) . Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).
Bạo lực học đường đanh trở thành vấn nạn ở các trường học tại Việt Nam
Đa phần các vụ việc đánh nhau của học sinh có liên quan đến chuyện tình cảm nam nữ tuổi mới lớn. Lý giải về hiện tượng này, Th.S Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính TPHCM) cho hay, các em ở lứa tuổi mới lớn, ngoài việc học thì dành mối bận tâm rất lớn đến tình cảm nam nữ. ‘Nửa kia’ có khi là thần tượng, là cả bầu trời đối với các em vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tình cảm với người khác giới lứa ở tuổi này mới chỉ những cảm xúc rung động đầu đời, các em rất dễ thay đổi, đang thích người này có thể chuyển sang thích người khác ngay. Khi bị ‘phụ bạc’, các em rơi vào cảnh thất vọng, suy sụp nên dễ nghĩ đến việc trả đũa cho hả giận.
Trước đây đã có một cuộc khảo sát được tiến hành tại hai trường THPT ở Hà Nội, với sự tham gia của 200 học sinh về tình trạng bạo lực nữ sinh. 96.7% các em được hỏi cho biết ở trường các em có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Đáng lo ngại là có đến 45% số được hỏi cho rằng điều đó là bình thường, 30% cho rằng có thể chấp nhận được. Khảo sát cũng cho thấy những lí do rất trời ơi nhưng lại là cái cớ để các nữ sinh đánh nhau như: thấy ghét thì đánh, dám nhìn đểu nên đánh, trả thù tình, người khác nhờ đánh, thậm chí chẳng có lí do gì cũng đánh.
Có thể thấy rằng, vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng lan rộng và trở thành một nỗi nhức nhối của nền giáo dục Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, thành phần tham gia vào các vụ bạo lực ngày càng nhỏ tuổi và số lượng nữ sinh đang là rất lớn. Để giảm bớt và ngăn chặn vấn nạn này, trách nhiệm giáo dục của nhà trường và gia đình phải được tăng cao một cách tối đa. Phải dạy được cho học sinh hiểu thế nào là lẽ phải, thế nào là hành vi phù hợp với độ tuổi, thế nào là cách ứng xử văn minh.