Yếu tố nào khiến CPI tháng 7 tăng?

Lan Trần| 29/07/2019 19:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng 0,18% so với tháng trước.

Tổng cục Thống kê thông tin, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, giá một số nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng trở lại; mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng từ ngày 1/7/2019; diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi; việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ là những yếu tố chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng.

Yếu tố nào khiến CPI tháng 7 tăng?

Ảnh minh họa

Thông tin cụ thể về CPI tháng 7 cho thấy, trong mức tăng 0,18% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33% (lương thực tăng 0,05%; thực phẩm tăng 0,4%; giáo dục tăng 0,22% (dịch vụ giáo dục tăng 0,17%) do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015.

Ngoài ra,  nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15% (giá du lịch trọn gói tăng 0,22%; khách sạn tăng 0,58%; dịch vụ giải trí tăng 0,74%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; bưu chính viễn thông tăng 0,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do chỉ số giá nhóm bảo hiểm y tế tăng 6,67%[; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,94%.

Riêng nhóm giao thông và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng cùng giảm 0,03%.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2019 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,04% so với cùng kỳ.

Tổng cục Thống kê đánh giá, bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giáo dục…

Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,89% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

Liên quan đến giá vàng, do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông và đồng đô la Mỹ giảm giá, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2019 tăng 4,04% so với tháng 6/2019.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2019 tăng 4,78% so với tháng trước; tăng 9,27% so với tháng 12/2018 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2019 giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 0,27% so với tháng 12/2018 và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố nào khiến CPI tháng 7 tăng?