EVFTA: Cơ hội và thách thức cho ngành dệt may Việt Nam

Lan Trần| 04/08/2019 07:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo các chuyên gia, dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau nhiều năm đàm phán. Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định này là cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may bởi thuế quan đối với gần như tất cả mặt hàng dệt may được giảm về , trong đó 77% dòng thuế được giảm về 0 ngang. Thị trường EU là thị trường lớn, về dệt may EU đứng đầu thế giới, đối với xuất khẩu nước ta EU đứng thứ hai.

Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cũng đánh giá tham gia Hiệp định thương mại tự do thể hiện thách thức rất lớn đối với những ngành truyền thống như ngành dệt may. Chính vì những thách thức này mà chúng ta buộc phải cải cách và tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

EVFTA: Cơ hội và thách thức cho ngành dệt may Việt Nam

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm với ông Lương Hoàng Thái, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng cho rằng EVFTA  là cơ hội rất tốt cho ngành dệt may Việt Nam. Vấn đề đặt ra là cơ hội đi cùng thách thức, trong đó thách thức cực kỳ lớn đối với dệt may Việt Nam là điểm nghẽn phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là phần liên quan đến nhuộm hoàn tất. Theo đó, để đạt được mục tiêu lợi ích mà hiệp định mang lại, các bộ ngành, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển khu doanh nghiệp, phần cung thiếu hụt, chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáp ứng yêu cầu các điều khoản hiệp định đưa ra. Đặc biệt với EU chúng ta phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải.

Ngành dệt may Việt Nam năm nay đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD. Thị trường lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ chiếm khoảng 42% trong tổng xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào các thị trường thế giới. Thị trường thứ hai là EU, chiếm khoảng 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%.

Ông Giang phân tích, EU vẫn là thị trường có tính chiến lược, trọng điểm lâu dài. Bởi dòng hàng vào EU là dòng hàng có giá trị gia tăng cao hơn một số các nước khác. Thứ hai, EU là một trong những nước mà Việt Nam đã có mối quan hệ từ năm 1992 đến nay, văn hóa đàm phán hợp đồng, hiểu cách đặt những đơn hàng của EU, có những sự hiểu biết và chia sẻ tương đối ổn định hơn, chắc chắn hơn so với một số thị trường khác. Thứ ba, văn hóa quan hệ thương mại giữa EU đối với ngành dệt may Việt Nam, EU hiểu và tuân thủ chiến lược phát triển thương mại chung có tính toàn cầu. Đây cũng là một lợi thế cho ngành dệt may Việt Nam.

Dù vậy, có một vấn đề đáng quan tâm là giá của sản phẩm. “Việt Nam vẫn là một trong những nước cạnh tranh khắc nghiệt so với một số nước khác. Nếu Việt Nam không đặt ra chiến lược tốt, chúng ta sẽ khó tiếp cận vào thị trường các nước EU. Mặc dù xuất khẩu dệt may vào các nước EU chiếm khoảng 21,5%. Tuy nhiên các lợi thế này sẽ đan xen thách thức vào phần cung thiếu hụt, đây là trọng yếu phát triển để bền vững cho ngành dệt may Việt Nam thời gian tới”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang,  Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, vấn đề nguồn cung nguyên phụ liệu là một thách thức không chỉ cho ngành dệt may mà là thách thức cho việc tận dụng các cơ hội. Nếu không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chúng ta xuất khẩu với mức thuế như cũ và không được hưởng ưu đãi. Nếu có nguồn cung nguyên liệu phù hợp và đáp ứng quy tắc xuất xứ có liên quan thì hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng dệt may của Việt Nam nói riêng có thể được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.

Đứng từ góc độ ngành dệt may, EU là thị trường lớn vô cùng hấp dẫn. Theo số liệu của ITC năm 2018 dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu 5,6 tỷ USD. Đây là con số rất lớn, nhưng chỉ chiếm 2,02% tổng nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu. Điều này cho thấy dư địa ở thị trường châu Âu rất lớn đối với dệt may Việt Nam.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVFTA: Cơ hội và thách thức cho ngành dệt may Việt Nam