Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phát triển lành mạnh

Lan Trần| 14/01/2020 10:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính sách về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có tác động tích cực đối với xã hội như việc đảm bảo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội và tương thích với các cam kết quốc tế; Tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng...

Thông tin tại họp báo chuyên đề “Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 và các văn bản quy định chi tiết thi hành”, đại diện Bộ Tài chính cho biết ngày 14/6/2019, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2019, nhằm thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội và Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phát triển lành mạnh

Ảnh minh họa

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đã nội luật hóa cam kết quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Hiệp định CPTPP bao gồm: tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; bổ sung cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm, quy định đối tượng, trách nhiệm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ trong nước và qua biên giới; việc quản lý, giám sát trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Điều này đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thị trường trong nước; hoàn chỉnh đầy đủ các yếu tố của thị trường bảo hiểm bao gồm: kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm) và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2019, thì cùng ngày Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ.

Ngày 16/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2019/TT-BTC quy định nội dung đào tạo, thi, cấp, công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.

Theo ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chính sách về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có tác động tích cực đối với xã hội như việc đảm bảo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội và tương thích với các cam kết quốc tế. Tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng và chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được kiểm soát dẫn tới môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước gia nhập thị trường.

Ngoài ra, chính sách về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý các hoạt động của thị trường bảo hiểm, hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam, gắn liền việc quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh bảo hiểm cốt lõi và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong tổng thể thị trường. Cùng với đó là tăng cường hình ảnh tích cực về thị trường bảo hiểm và lòng tin của người tham gia bảo hiểm; kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ; thu hút sự tham gia của người dân vào một thị trường bảo hiểm an toàn, lành mạnh; đảm bảo an toàn hơn về tài chính, tăng tính ổn định và niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, chính sách về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có tác động tới đối tượng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và đối tượng sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đối với đối tượng sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ tối ưu hóa nguồn lực, chi phí khi sử dụng các hoạt động thuê ngoài; đồng thời góp phần chuyên nghiệp hóa các khâu của quá trình kinh doanh bảo hiểm.

“Các quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 được thiết kế phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm”, ông Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Huyền cũng cho biết, Luật không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Điều này sẽ tạo môi trường pháp lý bình đẳng, ổn định cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động, giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong nước, đáp ứng nguyên tắc Đối xử Quốc gia (NT) trong Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, cần phải được bảo đảm bằng các điều kiện hoạt động cụ thể. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phát triển lành mạnh