Năm 2013: Hàng loạt doanh nghiệp rời sàn, vì sao?

10/01/2014 13:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm vừa qua là năm mà con số doanh nghiệp rời sàn tăng cao kỷ lục. Theo thống kê Vietstock, số lượng doanh nghiệp ra đi lại tăng vọt lên 43 trong khi năm trước chỉ dừng ở 18 đơn vị.

Nguyên nhân hủy niêm yết thường gặp nhất là lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp, lợi nhuận chưa phân phối âm vượt vốn điều lệ, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng công bố thông tin và kể cả tự nguyện hủy. Ngoài ra, cũng có trường hợp các quỹ đóng hủy niêm yết để chuyển sang quỹ mở hay các quỹ đến thời điểm giải thể.

Áp lực từ công bố thông tin

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp cho biết lý do khiến họ chọn cách rời sàn là từ chính áp lực về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Xét về quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán theo Thông tư 52/2012/TT-BTC, thống kê của Vietstock cho thấy, chỉ có 29 doanh nghiệp niêm yết, tương đương với vỏn vẹn 4.18%, đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh quy định này trong năm 2013 vừa qua.

Cũng trong năm 2013, UBCK cho biết đã công bố 84 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân trên thị trường chứng khoán với tổng số tiền phạt trên 7 tỷ đồng.

Đơn cử như, CTCP XNK Khoáng sản Hà Nam nhiều năm liền hoạt động có lãi nhưng lại quyết định hủy niêm yết vào tháng 7 vừa qua. Ông Chu Văn Trọng, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc cho biết lý do lên sàn ban đầu của MIH là để huy động vốn mở rộng thị trường nội địa nhưng sau đó công ty chuyển hướng chỉ tập trung vào thị trường ở nước ngoài. Hơn nữa, điều kiện minh bạch thông tin lại làm khó doanh nghiệp, để đảm bảo được cần phải có một bộ phận chuyên trách nếu không sẽ phải nộp phạt. Ông Trọng cho biết MIH đã phải tốn hàng chục triệu đồng chi trả cho khoản không đáng có này. Việc niêm yết trở nên không cần thiết khi mà doanh nghiệp không có nhu cầu huy động vốn, trong khi đó vẫn phải duy trì đội ngũ đảm nhận nhiệm vụ công bố thông tin, gây tổn hại nguồn lực công ty.

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Tùng Dương, Phó Tổng Giám đốc CTCP Gò Đàng (AGD) cho biết, ngoài việc nhận thấy ở lại sàn không có lợi ích cho cổ đông thì vấn đề minh bạch thông tin cũng gặp những vấn đề khá bức xúc. Ông chia sẻ, dù đã cố gắng minh bạch thông tin nhưng công ty vẫn không thể đáp ứng được quy định đặt ra và AGD đã liên tục phải nộp phạt vì chuyện này.

Cũng liên quan đến vấn đề công bố thông tin, trong năm 2013 vừa qua ghi nhận bốn doanh nghiệp gồm CIC, TAS, GBS, MCL đã bị bắt buộc rời sàn do vi phạm công bố thông tin quá nghiêm trọng. Mặc dù Sở GDCK không công bố chi tiết những vi phạm của những doanh nghiệp này, nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được những đơn vị này thường xuyên quên hay chậm công bố Báo cáo quản trị, Báo cáo thường niên, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên hay thay đổi trụ sở, vốn điều lệ mà không báo cáo…

Các doanh nghiệp hủy niêm yết do vi phạm CBTT trong năm 2013

Năm 2013: Hàng loạt doanh nghiệp rời sàn, vì sao?

Thanh lọc thị trường, đào thải hàng kém chất lượng

Có thể nói năm qua, thị trường đã đào thải khá nhiều doanh nghiệp yếu kém giúp cho chất lượng hàng hóa trên sàn ngày càng cải thiện hơn. Theo thống kê của Vietstock, trên cả hai sàn có 16 doanh nghiệp phải rời sàn do hoạt động kinh doanh sa sút dẫn đến lỗ 3 năm liên tiếp hay lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

Đó là những cái tên đã rất đình đám trong các năm trước về nợ đầm đìa hay lỗ khủng như THV, SBS, DDM, FBT…Trong đó, riêng nhóm Sông Đà đã góp mặt đến 5 doanh nghiệp gồm S27, SD8, SDJ, STL, SCC.

Danh sách doanh nghiệp hủy niêm yết do kết quả kinh doanh sa sút trong năm 2013

Năm 2013: Hàng loạt doanh nghiệp rời sàn, vì sao?

Ngoài ra, có 1 trường hợp đến kiểm toán cũng không thể đưa ra kết luận về báo cáo tài chính năm 2012 là CTCP ĐT XD và Khai thác công trình giao thông 584 (NTB). Nguyên nhân là do đơn vị kiểm toán bị hạn chế phạm vi kiểm toán liên quan đến các hợp đồng xây dựng của công ty với đối tác hay không được cung cấp các BCTC của công ty liên kết và tiền gửi ngân hàng cùng một số khoản công nợ chưa được đối chiếu.

Kết quả kinh doanh của NTB cũng không mấy khả quan, năm 2011 chỉ lỗ 1.1 tỷ đồng mà sang đến năm 2012 lỗ lên đến 67 tỷ đồng, còn kết quả kinh doanh các quý trong năm 2013 không thấy công bố.

Muôn vẻ hủy niêm yết tự nguyện

Ở một khía cạnh khác mang tính chủ động từ phía doanh nghiệp, trong 19 trường hợp hủy niêm yết tự nguyện, nguyên nhân để ban lãnh đạo và cổ đông đi đến quyết định rời sàn chủ yếu liên quan đến sáp nhập, giải thể hay chỉ đơn giản là nhận thấy việc ở lại sàn cũng không đem lại lợi ích cho cổ đông và thị giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp.

Năm 2013 chứng kiến SEL hủy niêm yết để sát nhập vào SJE, PVF hợp nhất cùng WesternBank để ra đời PVComBank, RHC về với Thủy điện Cần Đơn (SJD), HPR hủy niêm yết để hợp nhất công ty, DHL sáp nhập cùng HDO và PHT sáp nhập vào TLH.

Còn 2 doanh nghiệp họ Viglacera TLC, DTC có lẽ hủy niêm yết là lựa chọn phù hợp của HĐQT khi tình hình kinh doanh bết bát kéo dài. DTC năm 2012 lỗ ròng lên đến 69 tỷ đồng, 3 quý đầu năm 2013 không quý nào báo lãi và TLC thì 3 quý đầu năm 2012 cũng liên tục lỗ ròng, kết quả kinh doanh trong khoảng thời gian sau khi đã rời sàn không còn công bố.

Ngược lại, VFC, AGD, MIH, HPB là những doanh nghiệp cho rằng việc ở lại sàn không đem lại lợi ích cần có cho cổ đông hay thị giá cổ phiếu quá thấp, không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, có 3 quỹ đầu tư chứng khoán đã hủy niêm yết trong năm qua để chuyển từ quỹ đóng qua quỹ mở như VFMVFA, VFMVF1, VFMVF4 và một quỹ đến thời hạn và giải thể là PRUBF1.

Doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện trong năm 2013

Năm 2013: Hàng loạt doanh nghiệp rời sàn, vì sao?

Trần Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2013: Hàng loạt doanh nghiệp rời sàn, vì sao?