Market Vectors Vietnam ETF là phương án lựa chọn duy nhất đối với nhà đầu tư Mỹ

21/01/2014 13:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bất ổn chính trị Thái Lan cùng tình trạng căng thẳng tài chính sâu sắc tại Indonesia và thảm họa thiên nhiên tại Philippines đã khiến 2013 trở thành một năm đầy sóng gió của khu vực châu Á.

Các nhà đầu tư cũng đã nhận thấy được điều này thông qua diễn biến của các quỹ ETF quốc gia. Kể từ tháng 5/2013 đến nay, iShares MSCI Thailand Capped ETF và iShares MSCI Philippines ETF đều trượt dài hơn 30% trong khi iShares MSCI Indonesia ETF lao dốc hơn 40%.

Các nhà đầu tư “nhìn xa trông rộng” đang theo dõi sát các thị trường này vì đà bán tháo mạnh như vậy chỉ xảy ra một hoặc hai lần trong một thập kỷ và thường đem lại cơ hội mua vào rất lớn. Dù vậy, có thể vẫn còn quá sớm để bắt đáy trong thời điểm hiện tại. Dù xét theo nhiều tiêu chí, định giá của các thị trường này không quá đắt nhưng các điều kiện trên thị trường có thể tồi tệ hơn trước khi cải thiện trở lại.

Tuy nhiên, một thị trường mới nổi khác đã có thể phối hợp nhịp nhàng các biện pháp và xây dựng được nền tảng cho đà tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Với khoảng 90 triệu người tiêu dùng, đây là một trong những thị trường đầy hứa hẹn nhưng tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết. Quốc gia được tác giả David Sterman thuộc Street Authority đề cập trên đây chính là Việt Nam, một thành viên của nhóm CIVETS (Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập và Nam Phi).

Được biết, lần đầu tiên David Sterman nhận định về Việt Nam là vào năm 2010. Vào thời điểm đó, ông cho biết: “Việt Nam không may đối mặt với một số khó khăn, đáng chú ý nhất là tỷ lệ lạm phát cao (9%), thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách (8%)”.

Tuy nhiên, ông David Sterman cũng cho biết thêm: “Tương lai của Việt Nam khá sáng sủa nếu giải quyết được các vấn đề này”. Thấm thoắt đã đến năm 2014 và ngày đó đã tới.

Theo ông, năm 2013 vừa qua, Việt Nam đã ghìm cương được lạm phát và làm sạch hệ thống ngân hàng. Cụ thể, lạm phát đã giảm về mức 6% trong năm 2013, mức thấp nhất trong một thập kỷ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) nhằm xử lý nợ xấu.

Chính phủ cũng đang tìm cách gia tăng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng bằng cách nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, kế hoạch tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng đang được phác thảo, bắt đầu với việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Được biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 5.4% trong năm 2012 trước khi phục hồi lên 5.8% lên 2013. Các con số này đều thấp hơn nhiều so với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Chiến lược đầu tư duy nhất trong thời điểm hiện tại

Trong khi nhà đầu tư có thể đổ tiền vào một số quốc gia thông qua các quỹ ETF hoặc các biên nhận lưu ký Mỹ (ADR) của các doanh nghiệp hàng đầu nước này thì Market Vectors Vietnam ETF hiện là phương án lựa chọn duy nhất đối với các nhà đầu tư Mỹ.

Quỹ ETF này đã đạt được tỷ suất sinh lời khá trong năm 2013 trong khi các thị trường khác của châu Á sụt giảm khá mạnh. Dù vậy, diễn biến khả quan trong năm qua không đủ để bù đắp được kết quả ảm đạm trong các năm trước đó. Theo số liệu của Morningstar, Market Vectors Vietnam ETF giảm bình quân 8%/năm trong vòng 3 năm qua.

Market Vectors Vietnam ETF là phương án lựa chọn duy nhất đối với nhà đầu tư Mỹ

Xấp xỉ 60% danh mục của quỹ ETF này đầu tư vào các ngân hàng và các công ty năng lượng của Việt Nam trong khi hơn 30% danh mục của quỹ được phân bổ vào các cổ phiếu công nghiệp, nguyên vật liệu và tiêu dùng không thiết yếu.

Theo Van Eck, đơn vị quản lý Market Vectors Vietnam ETF, hiện danh mục của quỹ có P/E 11.2 lần, thấp hơn so mức 16 lần của thị trường Mỹ trong khi P/B là 1.37 lần, chỉ bằng một nửa so với thị trường Mỹ.

Trên thực tế, danh mục này phản ánh sự ổn định về mặt giá trị trước triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ông David Sterman cũng cho biết rủi ro mà nhà đầu tư cần phải xem xét đó là xung đột và bất ổn xã hội tại hai quốc gia láng giềng Campuchia cũng như Thái Lan có thể lây lan sang Việt Nam.

Nhà đầu tư sẽ làm gì?

Việc xác định diễn biến của thị trường Việt Nam hay bất kỳ một thị trường mới nổi nào khác trong năm 2014 là một việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư dài hạn, Việt Nam dần trở thành một trong những môi trường kinh tế năng động nhất trong thập kỷ tới. Hơn nữa, khi ngày càng có nhiều người bước vào tầng lớp trung lưu, tốc độ tăng trưởng có để duy trì trên mức 5% trong tương lai gần, qua đó thúc đẩy đà tăng trưởng lợi nhuận của một số doanh nghiệp hàng đầu.

Phước Phạm (Theo Street Authority)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Market Vectors Vietnam ETF là phương án lựa chọn duy nhất đối với nhà đầu tư Mỹ