Cách mạng công nghiệp thế giới đã tạo cơ hội phát triển cho 1 số quốc gia. Với cách mạng công nghiệp 4.0 lần này, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển. Và đây đang được xem là cơ hội phát triển của VN.
Theo dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IoT) (Ảnh minh họa)
Nhận diện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nhiều cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra nửa cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, đánh dấu bằng sự ra đời của động cơ hơi nước, rồi sau đó là động cơ đốt trong… Ảnh hưởng của nó diễn ra ở Tây Âu và Bắc Mỹ trong suốt thế kỷ 19 và sau đó là toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ 19 kéo dài tới đầu thế kỷ 20. Dấu ấn quan trọng nhất của cuộc cách mạng này là việc sử dụng điện năng để mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt. Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt đầu khoảng 1969, khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và số hoá vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990). Cho đến cuối thế kỷ 20, quá trình này cơ bản hoàn thành nhờ những thành tựu khoa học công nghệ cao.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (kết hợp giữa thành quả của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số) đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là sự phát triển về khoa học - công nghệ. Giới phân tích nhận định trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là công nghệ thông tin (CNTT) và Internet kết nối vạn vật (IoT), không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Trên phạm vi toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp này đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới, mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người. Theo đó, Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển.
Theo dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IoT). Thị trường này sẽ tạo ra 1.900 tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây.
Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được chọn làm chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ và đây là cuộc cách mạng kết hợp công nghiệp trong các lĩnh vực như vật lý, số hóa, sinh học và vốn để tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Trong cuộc cách mạng này, cơ hội đem đến cho chúng ta rất lớn, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ. Bộ Chính trị và Chính phủ rất quan tâm đến việc này, bởi hiện nay tất cả thế giới đang quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam không lỡ “con tàu cách mạng công nghiệp 4.0”? Trả lời cho câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Từ nhận thức đó có cách ứng xử, có định hướng, tư duy phát triển phù hợp.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần phải nói cho mọi người biết rằng cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh”.
Cho rằng nòng cốt của cách mạng công nghiệp 4.0 là CNTT, Thủ tướng giao Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy ưu thế của CNTT, tạo thuận lợi cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với các thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ với tinh thần quyết liệt, chủ động như đánh giá hiện trạng, rà soát, lồng ghép các nội dung triển khai liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 trong chiến lược phát triển của Bộ, ngành mình.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), nếu nhìn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì chúng ta không có cơ hội. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được. “Vì người Việt Nam rất giỏi phát động một cuộc cách mạng toàn dân. Nếu mình làm cuộc cách mạng 4.0 là một cuộc cách mạng toàn dân thì là lợi thế Việt Nam”, ông Hùng khẳng định. Ông Hùng cũng cho rằng nếu nhìn cuộc cách mạng 4.0 là của các doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp siêu lớn thì Việt Nam cực kỳ lợi thế. Vì chúng ta, doanh nghiệp lớn gần như là không có, đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đó là lợi thế của Việt Nam.
Còn theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam. Cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các “đại gia” mà là cuộc cách mạng của mọi người, trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn tự nhiên, nên nếu không cải cách, thay đổi thì nền kinh tế vốn nhỏ lẻ, chính sách kiểu hành chính, động lực doanh nghiệp chạy theo chênh lệch giá, dựa vào các điều kiện sẵn có tự nhiên…, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp thách thức rất lớn và sẽ sớm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự. Theo ông, công nghiệp 4.0 là một động lực lớn để Việt Nam thay đổi. "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội chưa từng thấy cho kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi nhiều chính sách để thành công”, ông nói.
Chuyên gia Võ Trí Thành cũng cho rằng, để “đón” và bắt kịp được cách mạng công nghiệp 4.0 cần 4 yếu tố, thứ nhất là thể chế và lãnh đạo, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng; thứ hai là hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực số; thứ ba là thể chế thúc đẩy sáng tạo và trong sáng tạo thì doanh nghiệp phải là trung tâm - tức tính thực dụng phải rất cao; và thứ tư là an ninh mạng, an ninh kết nối.
85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến cách mạng công nghiệp 4.0
Theo kết quả khảo sát được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội về sự quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. thì có 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm. Trong số này có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.
Nhưng về chiến lược, có đến 79% doanh nghiệp trong số này trả lời rằng chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 55% doanh nghiệp cũng cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai.
Đối với các doanh nghiệp không quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, 67% doanh nghiệp cho hay, họ không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không bị tác động nhiều; 76% doanh nghiệp cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong khi đó có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm.
Theo bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia đang phát triển khác, không thể nhảy cóc từ lực lượng lao động của công nghiệp 2.0 sang công nghiệp 4.0, mà phải đặt tiền đề cho sự thay đổi này.
Cụ thể, Việt Nam cần xây dựng và phát triển chính sách ngành công nghiệp phù hợp với công nghiệp 4.0. Sự lựa chọn chính sách của quốc gia, cùng với quyết tâm chính trị để thực hiện chính sách lựa chọn, là tiền đề đầu tiên để Việt Nam vững bước vào công nghiệp 4.0. Việt Nam hiện đang thực hiện con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, chính sách công nghiệp của Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào các ngành giá trị gia tăng thấp, kỹ năng thấp, giản đơn và sử dụng đông lao động, dễ bị thay thế bằng máy móc tự động hóa hoàn toàn/robot, điển hình là ngành dệt may, da giày, điện tử…
Để thay đổi và phát triển chính sách ngành cho công nghiệp 4.0, nếu Việt Nam lựa chọn con đường chờ đợi các doanh nghiệp tự năng động và đầu tư vào những ngành nghề mới của công nghiệp 4.0 sẽ là một sự lựa chọn không tạo ra đột phá. Vì vậy, Chính phủ phải là kiến trúc sư cho các ngành công nghiệp mới của công nghiệp 4.0, tạo ra trụ cột ngành để thu hút FDI và doanh nghiệp đầu tư, cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực vào các ngành mới này. Chỉ như vậy, Việt Nam mới không bị tụt lại phía sau trong công nghiệp 4.0.
“Công nghiệp 4.0 là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các quốc gia. Công nghiệp 4.0 là thách thức nếu các quốc gia không chủ động thay đổi chính sách của mình. Công nghiệp 4.0 là cơ hội nếu các quốc gia chủ động thay đổi chính sách, trước hết tập trung vào các chính sách tiền đề là: Hoạch định chính sách ngành công nghiệp phù hợp, phát triển văn hóa sáng tạo và thúc đẩy kỹ năng mềm trong lực lượng lao động. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể vững bước vào công nghiệp 4.0 và phát triển một cách thực sự bền vững”, bà Lan chia sẻ.