Hôm qua 14/3, một sự việc thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, được rất nhiều tờ báo và mạng xã hội đăng tải, đó là “biển người” đổ về chùa Tam Chúc (Hà Nam) hành lễ. Như Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc trả lời báo chí, thì qua thống kê có khoảng 50.000 du khách đổ về chùa Tam Chúc trong ngày 14/3.
Hẳn chúng ta còn nhớ khoảng một năm về trước, bệnh nhân số 17 là một cô gái 26 tuổi, mà như cộng đồng mạng bình phẩm thì không làm nhà nước, không con ông cháu cha, nhưng chỉ một tiếng ho đã khiến cả tuyến phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) bị phong toả, cả Thủ đô Hà Nội mất ngủ, cả mạng xã hội nín thở và hơn nữa là cả hệ thống chính trị phải bật dậy trong đêm.
Thượng tuần tháng 3/2020, bệnh nhân số 34 là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực buôn bán vật liệu xây dựng đã khai báo y tế gian dối, dẫn tới nhiều ca mắc Covid-19, với hàng trăm F1, hàng nghìn F2, khiến chính quyền và nhân dân cả nước “mất ăn mất ngủ”. Thời điểm đó, cả nước mới có vài chục ca nhiễn Covid-19, nhưng trước mối đe dọa tiềm ẩn, không ít người lo lắng đã đổ xô ra ngân hàng rút tiền, rồi tích trữ lương thực, thực phẩm khiến siêu thị cháy hàng, gây bao hệ luỵ…
Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho biết, cả nước ghi nhận 2.554 ca nhiễm, trong đó có 2.086 ca khỏi, 35 ca tử vong và 429 ca đang điều trị. Một thông tin khác khiến chúng ta không thể xem thường dịch bệnh, đó là trường hợp cách ly ở Hải Dương, sau 8 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, khi vừa về Đông Triều (Quảng Ninh) cách ly tại nhà thì Trung tâm CDC Hải Dương thông báo người này dương tính với Covid.
Điều này cho thấy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao, kể cả những người đã cách ly, xét nghiệm cho kết quả âm tính cũng chưa phải an toàn. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các chuyên gia y tế cũng đã khuyến cáo nhiều lần, đó là biến thể Covid-19 lần này lây lan nhanh, đã có F2 dương tính chỉ trong một thời gian ngắn.
Ấy thế mà một số địa phương vừa cho phép cơ sở tôn giáo, điểm di tích, tâm linh mở cửa hoạt động trở lại, nhiều người đã quên khuấy có một “quả bom” dịch bệnh vẫn treo lơ lửng trên đầu. Hình ảnh, video quay, chụp tại chùa Tam Chúc cho thấy, họ đã xem nhẹ khuyến cáo “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" như thế nào?
Sáng nay 15/3, Thượng toạ Thích Minh Quang phân trần với báo chí thế này: Từ trước Tết cho đến những ngày vừa qua, do tình hình dịch bệnh nên chùa Tam Chúc chỉ đón lượng khách rải rác mỗi ngày. Công tác phòng chống dịch đặc biệt thông điệp "5K" của Bộ Y tế luôn được đảm bảo!?
"Như ngày cao điểm thông thường khoảng trên 10.000 người. Tuy nhiên, hôm qua lượng phật tử đông đột biến, nhiều lúc ùn tắc cục bộ. Buổi trưa hàng vạn người đổ dồn về một lúc khiến nhà chùa rơi vào thế bị động. Chùa cố gắng làm hết sức mình, bố trí xe lớn đưa phật tử ra vào", Thượng toạ Quang nói.
Còn theo đại diện Ban quản lý chùa Tam Chúc, đây chỉ là ùn tắc cục bộ tại nhà đón tiếp, khi du khách đến phải để xe cũng như khai báo y tế và lựa chọn các phương tiện vận chuyển đi vào. Các khu vực khác trong chùa không quá đông vì chùa Tam Chúc có khuôn viên rất rộng!?
Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng là quyền của công dân, được quy định trong Hiến pháp và Pháp luật. Nhưng niềm tin tới mù quáng, bất chấp dịch bệnh, kìn kìn cúng bái như sự việc ở chùa Tam Chúc thì chỉ cần một ca dương tính với Covid-19 thì có lẽ những lời nguyện cầu là chưa đủ, cả hệ thống chính trị chắc cũng sẽ vất vả gấp vạn lần với truy vết, cách ly, xử lý các sự cố.
Không riêng gì Tam Chúc, nhiều hoạt động lễ hội, tôn giáo, thể thao ở các địa phương khác rất có thể tiềm ẩn nguy hiểm, trở thành các “quả bom hẹn giờ” bùng phát dịch bệnh nếu như không thay đổi nhận thức và phương thức quản lý!