Kiến nghị thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh

Bình Nguyên| 26/10/2020 22:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.

Mô hình tổ chức "thành phố trong thành phố"

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về Tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, TP. Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

26-10-bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-1-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày dự thảo nghị quyết tại Quốc hội

Trong quá trình phát triển, TP. Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở TP. Hồ Chí Minh chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới hành chính,....

Từ năm 2009 - 2016 tại TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả các huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và nghị quyết Quốc hội. Kết quả thí điểm cho thấy rất tích cực: bộ máy tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian triển khai các quyết định hành chính ở đô thị được nhanh hơn, tiết kiệm ngân sách,.. Vì vậy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đề nghị triển khai thực hiện luôn từ kết quả thí điểm này.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã thiết kế UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; bổ sung nhiệm vụ của UBND quận phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; cán bộ, công chức làm việc ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND phường tại TP. Hồ Chí Minh thuộc biên chế cán bộ, công chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND cấp trên.

Một điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết là tổ chức chính quyền ‘‘Thành phố trong thành phố’’. Nội dung này hướng tới việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP.Thủ Đức trực thuộc TP. HCM. Đồng thời sẽ không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Một điểm mới nữa là thành phố thuộc TP. HCM sẽ có các phường trực thuộc (tại các phường này sẽ thực hiện không tổ chức HĐND).

Vẫn đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả

Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung: Có nên tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 01/7/2021 hay không? Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh; tên gọi, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường..

duong-minh-tuan-doan-dbqh-tinh-ba-ria-vung-tau.jpg
Các ĐBQH thảo luận trực tuyến tại các đoàn ĐBQH

Đại biểu Huỳnh Thành Chung- Bình Phước cho rằng, TP. HCM được xem là một đại đô thị của nước ta với hơn 10 triệu người cư trú và khách vãng lai, là một thành phố hết sức năng động. TPHCM là 1 trong 10 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và đã có những kết quả tốt.

Trên cơ sở sau khi phân bổ lại nhiệm vụ của HĐND TP có tính tiếp quản lại nhiệm vụ của HĐND cấp phường, cấp quận vẫn đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân. Những vấn đề của người dân sẽ được chú trọng giải quyết và nâng cao hơn bởi HĐND cấp thành phố. Qua nghị quyết này, TPHCM sẽ tinh gọn được bộ máy cấp phường, quận.

Còn ĐB Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TPHCM) cho rằng, với mật độ dân số lớn, các vấn đề phát sinh lớn, đòi hỏi phải xử lý nhanh, nếu xử lý chậm vấn đề gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế nên khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị giúp cho quyết định nhanh hơn.

Thành phố đã hơn 6 năm thí điểm không có HĐND của 24 quận và huyện; 259 phường, xã, nên những vấn đề lo lắng có thể phát sinh thì đã thử nghiệm 6 năm, không phát sinh vấn đề lớn và thành phố cũng như theo kinh nghiệm Trung ương hướng dẫn có đủ năng lực để khắc phục.

"So với 10 năm trước, ngoài cơ chế HĐND giám sát, ĐBQH giám sát thì cho đến bây giờ thành phố có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát. Thực tế, vừa qua trong 33 tháng thực hiện, đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến của người dân, xử lý kịp thời gian 96%, bình quân mỗi tháng tiếp nhận 239 ý kiến, mỗi ngày 8-9 ý kiến, qua đó chúng tôi xử lý cán bộ, mặc dù điều này không muốn làm. Trong 33 tháng vừa qua, bình quân 1 tháng chúng tôi xử lý 10 Đảng viên, 11 cán bộ công chức có sai phạm do người dân phát hiện", ĐB Nguyễn Thiện Nhân nói.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết thêm, Thành phố cũng đã có phương thức thực hiện đô thị thông minh, qua đó người dân, thông qua điện thoại di động, nhắn tin, email có thể báo cho chính quyền các cấp xử lý các vấn đề hàng ngày liên quan đến người dân và mỗi quận, huyện tiếp thu mỗi tháng hàng nghìn thông tin như vậy. Hàng năm, Thường vụ Thành uỷ cùng rà soát và đồng bộ hoá việc giám sát, thanh tra, kiểm tra giám sát của 4 cơ quan là Quốc hội, Mặt Trận, HĐND, các đoàn thể. Thông qua việc đồng bộ hoá này làm việc tiếp thu ý kiến của người dân được chặt chẽ, dễ dàng hơn.

Đại biểu Dương Minh Tuấn-Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tán thành với đề nghị của Chính phủ, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách nên triển khai thực hiện ngay, không cần phải tổ chức thí điểm vì 2 lý do: Thứ nhất là, Luật Tổ chức Chính phủ quy định, chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Thứ hai là về thực tiễn, TP. Hồ Chí Minh đã có 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và phường. Qua báo cáo tổng kết cho thấy việc không tổ chức này không làm ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương. Hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước thành phố và các quận, huyện, phường vẫn ổn định và thông suốt.

Tuy nhiên,cũng có một số ý kiến không đồng tình và cho rằng bỏ HĐND là bỏ đi quyền dân chủ, quyền đại diện của nhân dân trong việc giám sát và kiểm soát quyền lực. Vì thực tế trong thời gian qua đã thấy thực hiện theo mô hình hiện tại, quyền dân chủ và quyền đại diện của nhân dân được thực hiện đầy đủ qua các kênh Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội…

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường vào chiều ngày 12/11/2020 của đợt 2 kỳ họp thứ 10. Theo đó, đợt 2 của kỳ họp, Quốc hội sẽ họp tập trung tại hội trường Diên Hồng từ ngày 02/11/2020 như chương trình đã thông qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh