Sức khỏe

Kiến nghị công bố dịch sởi tại TP.HCM

Kim Sáng 22/08/2024 - 13:33

Trước tình hình số ca bệnh sởi nhập viện tại các cơ sở y tế ở TP.HCM không ngừng gia tăng, Sở Y tế kiến nghị UBND Thành phố công bố dịch sởi, nhất là trong bối cảnh năm học mới đang cận kề.

Những ngày qua, số ca bệnh sởi nhập viện tại các cơ sở y tế ở TP.HCM không ngừng gia tăng khiến nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng rất lớn.

Điển hình như Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho nhiều ca mắc bệnh sởi.

Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các địa phương phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang nguy cơ bùng phát dịch sởi rất cao.

Đặc biệt, TP.HCM là nơi tập trung các bệnh viện tuyến cuối nên dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sởi ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đổ về sẽ tăng.

Trong bối cảnh năm học mới đang cận kề, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị UBND Thành phố công bố dịch sởi, đồng thời triển khai kế hoạch ứng phó.

z5755239895029_1eae1d1ce96b47ec501b82cbd52e865b.jpg
Trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị ở TP.HCM.

Trong khi chờ UBND Thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, ngành Y tế chủ động triển khai ngay các giải pháp hạn chế sự bùng phát rộng của dịch.

Theo đó, thành phố khẩn trương thực hiện tiêm bù mũi vaccine cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ mũi và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine cho trẻ từ 1-5 tuổi, bao gồm cả trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vaccine.

Để bảo đảm chiến dịch tiêm bổ sung vaccine đạt hiệu quả, Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận, huyện rà soát lập danh sách tất cả trẻ từ 1-5 tuổi, chú ý trẻ tại mái ấm, cơ sở bảo trợ. Khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi. Các bệnh viện lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được đơn vị quản lý và tư vấn tiêm chủng cho trẻ nếu đủ điều kiện.

Cạnh đó, triển khai giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, đó là nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng; nhóm trẻ bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, tử vong khi nhiễm sởi.

Để bảo vệ nhóm trẻ này, Sở Y tế yêu cầu, các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện. Đồng thời triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác...

Các Trung tâm y tế quận, huyện khẩn trương triển khai hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng. Các bệnh viện triển khai ngay giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, tất cả hướng đến mục tiêu giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế ở thành phố là gần 600 ca.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị TP.HCM khẩn trương chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với dịch sởi trước bối cảnh bệnh diễn biến phức tạp.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm đã được biết đến từ rất sớm và được đưa vào lịch tiêm chủng của nhiều quốc gia trên thế giới sau khi có vaccine. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy..., thậm chí có thể gây tử vong.

Mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo các bác sỹ, hệ số lây lan của sởi là từ 12-18, nghĩa là một người bị bệnh sởi có thể lây cho 12-18 người.

Do đó, với những trẻ chưa được tiêm vaccine sởi nguy cơ bị lây bệnh lên đến 90% nếu có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi trước đó. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp cũng là nguyên nhân khiến bệnh sởi lây lan nhanh trong cộng đồng thời gian qua.

Theo các bác sĩ, khi trẻ được tiêm 1 mũi vaccine phòng sởi có thể ngừa được khoảng từ 82 - 83%, khả năng trẻ bị mắc bệnh khoảng 17- 18%. Vậy nên, trẻ cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2 để khả năng miễn dịch của trẻ tăng lên 95% nhằm bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo, trường hợp trẻ đã mắc bệnh sởi, sau 5 - 10 năm nên cho trẻ tiêm lại vaccine phòng sởi là tốt nhất. Đối với những trường hợp mà đã chích ngừa vaccine sởi thì sau khoảng 10 năm nên cho trẻ tiêm nhắc lại 1 lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị công bố dịch sởi tại TP.HCM