Kiểm tra toàn bộ các hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa

Ngọc Mai| 28/02/2022 11:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm: hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm…, điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố của Cục Cảnh sát giao thông nêu rõ.

kiem-tra-toan-bo-hoat-dong-van-tai-duong-thuy.jpg
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Ảnh minh họa

Rà soát, kiểm tra đánh giá thực trạng vận tải hành khách đường thủy nội địa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 26/2 tại vùng biển Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, Cục Cảnh sát giao thông đã có điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm: hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm…

Với nội dung gồm: Điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách; điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên; điều kiện kinh doanh vận tải; phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.

Riêng đối với các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan, đặc biệt là ở những nơi có nhiều lực lượng cùng có chức năng xử lý vi phạm, nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hành khách.

Xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền

Thông qua công tác rà soát để làm rõ những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa, nhất là việc thiết kế phương tiện gây khó khăn cho việc thoát nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn; phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ trật tự giao thông đường thủy và đề xuất giải pháp khắc phục.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy.

Trong đó tập trung kiểm tra ngay tại các đầu bến, các địa bàn phức tạp về hoạt động vận tải hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định… hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, kiến thức về cách xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy.

Yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng.

Trước đó tại Công điện số 202/CĐ-TTg ngày 26/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi các Bộ: Công an, Giao thông vận tải; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, nêu rõ:

Theo báo cáo nhanh từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, vào lúc 14 giờ 05 phút ngày 26/02/2022, tại tuyến đường thủy từ Cù Lao Chàm - Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lật thuyền đối với ca nô mang biển kiểm soát QNa1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông chở khách tham quan du lịch xã đảo Cù Lao Chàm; trên ca nô có 39 người; hậu quả vụ tai nạn làm chết 13 người, chưa tìm thấy 04 người. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương, phân công đồng chí lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, hỗ trợ động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn.

Để khắc hậu quả vụ tai nạn giao thông và không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của Tỉnh:

- Huy động mọi phương tiện, nhân lực để tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện trong vụ tai nạn; bố trí điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường thủy; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn.

2. Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra vi phạm về điều kiện kinh doanh trên đường thủy nội địa, nhất là hoạt động chở khách tham quan du lịch trên đường thủy nội địa, siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi chở quá số người quy định, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp du lịch khi để xảy ra vi phạm, không để xảy ra các sự việc tương tự.

3. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam và các Sở Giao thông vận tải địa phương kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm; đặc biệt xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ phương tiện) gây tai nạn nêu trên.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.

5. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nghiên cứu phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, trong đó có các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường thủy nội địa; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong các vụ tai nạn, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra toàn bộ các hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa