Theo công bố của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2016, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ; phát hiện, xử lý gần 88.000 vụ vi phạm hàng nhái, hàng giả.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động.
Trong 10 tháng đầu năm 2016, Quản lý thị trường đã thực hiện 145.000 vụ kiểm tra, phát hiện 88.000 vụ vi phạm hàng nhái, hàng giả, số tiền xử phạt và thu về cho ngân sách Nhà nước là 523 tỷ đồng. Tuy vậy, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng, trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế đất nước, đời sống của nhân dân.
Những vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là vấn đề phân bón giả kém chất lượng đang ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người nông dân Việt Nam cũng đã được một số đại biểu đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong phiên chất vấn sáng 15/11 của kỳ họp Quốc hội khóa 14.
88.000 vụ vi phạm hàng nhái, hàng giả
Theo công bố của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2016, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ; phát hiện, xử lý gần 88.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng.
Cụ thể trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm bị thu giữ gồm rượu ngoại, nước giải khát, bánh kẹo; dầu thực vật; rau củ nông sản. Ngoài ra còn có gia cầm, thịt và trứng gia cầm; hải sản. Số lượng mỗi loại sản phẩm bị thu giữ từ con số vài nghìn đến vài chục nghìn kg.
Đối với mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, đã phát hiện, xử lý 4.859 vụ, trong đó: vi phạm về vận chuyển 1.143 vụ; vi phạm về kinh doanh 3.718 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 25,74 tỷ đồng. Tịch thu 966.097 bao thuốc lá các loại; thu giữ 32 xe ô tô, 695 xe máy, 32 phương tiện khác; chuyển cho cơ quan điều tra 103 vụ.
Tính trong 10 tháng năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý gần 88.000 vụ vi phạm hàng nhái, hàng giả. Ảnh: Internet
Một mặt hàng nổi cộm trong thời gian qua là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, lực lượng chức năng cũng đã mạnh tay kiểm ra, truy quét. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 4.891 vụ liên quan đến phân bón. Qua kiểm tra phát hiện, xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 61,42 tỷ đồng, tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại, 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng, 25,75 tấn phân bón NPK giả mạo nhãn hiệu, 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu, 02 máy khâu bao bì, buộc tái chế 78,58 tấn phân bón kém chất lượng, 15,7 tấn phân bón các loại. Chuyển cơ quan điều tra 01 vụ hàng hóa giả mạo mã vạch của nước ngoài.
Cơ quan chức năng cũng kiểm tra và xử lý 515 vụ vi phạm đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật. Các hành vi chủ yếu là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên nhãn có thông tin không đúng sự thật; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc có tên trong danh mục bị cấm sử dụng; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt hành chính 1.548,26 triệu đồng. Thu giữ 14.129 lít, chai; 831,1 kg thuốc bảo vệ thực vật. Tiêu hủy 45 gói phân bón quá hạn sử dụng; Tịch thu 01 chai thuốc trừ bệnh, 12 bịch thuốc trừ sâu bệnh hại cây trồng, 30 chai thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng.
Tăng cường kiểm tra cao điểm
Một thực tế không thể phủ nhận là dù cơ quan chức năng đã rất cố gắng nhưng hoạt động buôn lậu vẫn đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng, từ hải đảo đến đất liền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn... Đặc biệt vào giai đoạn cuối năm,việc buôn lậu, sản xuất hàng nhái, hàng giả luôn gia tăng.
Trước tình hình nói trên, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu từ nay dến dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2017, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai một số giải pháp trọng tâm như: tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Kế hoạch 1630/KH-BCT của Bộ Công Thương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016 (thực hiện Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết cơ quan chức năng tiếp tục tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường; đảm bảo nhu cầu tiêu dùng hàng hoá dịp Tết. Chú trọng kiểm tra, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị để trà trộn hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ.
Quản lý thị trường sẽ tập trung việc kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm như pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực; các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thực phẩm các loại; quần áo may sẵn, đồ gia dụng…Tập trung kiểm tra tại các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại, các chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Trong thị trường nội địa, tập trung kiểm tra tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đồng Nai, Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ; các thị xã, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ga, bến xe, nơi phát luồng hàng hóa, và các điểm thường xảy ra việc tập kết, trung chuyển hàng lậu, hàng cấm.
Riêng đối với mặt hàng phân bón, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, còn có sự chồng chéo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương trong quản lý phân bón hữu cơ và vô cơ. Cùng với đó là việc có quá nhiều chủng loại phân bón khiến cho nhân lực kiểm tra bị đuối. Vì thế, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng hệ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, đồng thời đề xuất một cơ quan quản lý duy nhất đối với mặt hàng phân bón.