Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Trung Nguyễn| 02/12/2018 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiến pháp Việt Nam đã ghi: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Văn kiện Đại hội Đảng XII cũng chỉ rõ: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực Nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực…”. Như vậy,  kiểm soát quyền lực là cơ chế ràng buộc của thể chế chính trị đối với  tổ chức và cá nhân trong bộ máy Nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng của nhóm lợi ích và cá nhân trong quản lý xã hội.

Thời gian qua, hiện tượng chạy chức, chạy quyền cũng làm gia tăng tiêu cực, thể hiện trong lợi dụng quyền lực. Đó chính là tác nhân làm lệch lạc, méo mó quyền lực nói chung và quyền lực trong tổ chức cán bộ nói riêng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Xử lý nghiêm hành vi sai trái, tiếp tay tệ chạy chức, chạy quyền”. Muốn vậy, phải có chế tài đủ mạnh để kiểm soát, tiến tới loại bỏ tệ nạn này trong đời sống xã hội.

Những biểu hiện tiêu cực, yếu kém trong công tác, mà Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: “…Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình, nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực”.

Để xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ có nhiều nguyên nhân, trong đó việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ còn những thiếu sót, hạn chế, chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu. Thể chế công tác cán bộ còn những bất cập, sơ hở cho kiểm soát quyền lực. Một số quy định chưa thật chặt chẽ trong quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ đã bị lợi dụng khá phổ biến, dẫn đến tình trạng “đúng quy trình” nhưng không đúng người xảy ra ở không ít nơi, gây bức xúc dư luận trong những năm qua.

Để khắc phục tình trạng này, trước hết, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.  Kiểm soát quyền lực đã đến lúc phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, gắn liền với cuộc đấu tranh chống suy thoái, tham nhũng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Cần quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác cán bộ. Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi sai trái, lạm quyền trong công tác cán bộ.  Tiếp tục đồng bộ hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm, nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực và triển khai thực hiện nghiêm túc. Chú trọng thiết lập cơ quan kiểm soát quyền lực đủ mạnh. Quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực. Cơ quan kiểm tra, thanh tra phải có tính độc lập và đủ thẩm quyền để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Kiểm soát quyền lực nói chung và công tác tổ chức cán bộ nói riêng đòi hỏi phải có quy định cụ thể gắn trách nhiệm (quyền lực) và kỷ luật (nghiêm minh). Quyền lực phải đi đôi với dân chủ, công khai, minh bạch trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện trong công tác cán bộ. Kiểm soát quyền lực không chỉ chờ vào thanh tra, kiểm tra mà phải phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ