Kiểm soát chất lượng đột xuất, thanh tra chéo nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán

Nguyên Bình| 01/04/2021 14:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết nội dung trên tại phiên thảo luận Quốc hội về báo cáo của kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2016-2021, sáng ngày 1/4.

sang-nay.jpg

 Các đại biểu đánh giá, nhiệm kỳ này hiệu quả của KTNN tăng lên nhiều so với giai đoạn trước với con số kiến nghị xử lý trên 350.000 tỷ đồng, gấp 3,5 lần kiến nghị của giai đoạn 2011-2015.

Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra tăng 45%

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong nhiệm kỳ cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền;

KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu đánh giá, trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực, KTNN đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra tăng lên 45% trong khi nhiệm kỳ vừa qua kiểm soát chống tham nhũng rất tốt, cho nên chắc chắn số vi phạm không thể tăng lên nhưng số phát hiện kiểm toán lại tăng lên trước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường- Hà Nội nhận xét, kết quả KTNN trong nhiệm kỳ vừa qua khá ấn tượng, đặc biệt nhờ vào những kết quả của báo cáo KTNN mà nhiều vấn đề trong quản lý tài chính, tài sản công được tốt hơn. Một số hoạt động giám sát của Quốc hội, hoạt động thảo luận của Chính phủ về báo cáo tài chính hàng năm đều phải dựa trên cơ sở thông tin của báo cáo KTNN.

hoang-cuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường- Hà Nội

Tuy nhiên, theo đại biểu, hiệu lực thực hiện kiểm toán vẫn còn thấp khi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về mặt tài chính chỉ đạt 73,6%, kiến nghị xử lý về các văn bản mới chỉ đạt 17,3%. Vậy nên cần phải xem xét lại thật kỹ nguyên nhân có phải là do chất lượng kiến nghị của cơ quan KTNN chưa đủ thuyết phục để các cơ quan hay là vì hiệu lực của kiến nghị đó không được thực thi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng kiến nghị, để tăng hiệu quả công tác kiểm toán cần sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán, vừa tiết kiệm được nhân sự, bộ máy vừa thực hiện được cơ chế giám sát độc lập, khách quan và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán. Thường Kiểm toán khó khăn trong tiếp cận tài liệu, bởi những cơ quan bị kiểm toán hay cố tình kéo dài thời gian để làm hết thời gian kiểm toán.

“Nếu chúng ta áp dụng dữ liệu điện tử thì việc này sẽ không còn xảy ra nữa. Với dữ liệu điện tử sẽ tạo ra được các thông tin thực sự là khách quan không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người cung cấp cũng như cá nhân, cán bộ kiểm toán”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Cần giải pháp mạnh mẽ

Một số đại biểu cũng cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới, bởi kiến nghị của kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán có giá trị bắt buộc thi hành khi đã công khai.

Các ý kiến cũng nhất trí với đề xuất của KTNN và đề nghị KTNN là trong thời gian tới tập trung thực hiện một số nội dung chính: Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp; Tiếp tục kế thừa, phát huy các kết quả đạt được trong đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu và kiểm toán; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN..

Giải trình sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, lý do những khoản mà KTNN đề nghị truy thu hay là đề nghị giảm phụ thuộc vào nguồn vốn.

phoc.jpg
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc

Ví dụ, như khoản chi sai chế độ, các khoản như công trình đã quyết toán trả cho nhà thầu, kiến nghị do chi sai do không phù hợp với định mức không phù hợp với dự toán không phù hợp với đơn giá. Tuy nhiên, để thu lại được tiền đấy thì phải chờ các doanh nghiệp nộp tiền thì Ban quản lý dự án mới nộp tiền lại cho Nhà nước hay các khoản chi sai chế độ thì cũng phải có nguồn để chi trả và một số vấn đề khác”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết thêm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của kiểm toán Nhà nước. Về công khai kết luận kiểm toán, sắp tới KTNN sẽ thực hiện công khai, minh bạch theo quy định.

Đồng thời, thực hiện luân chuyển các địa bàn kiểm toán, thực hiện các cuộc kiểm toán, kiểm soát chất lượng đột xuất và sử dụng bộ máy thanh tra, kiểm toán, kiểm tra chéo nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán, Tổng KTNN khẳng định.

Không để tình trạng "treo" kết luận kiểm toán

Bên lề kỳ họp, nhều đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước; khắc phục những hạn chế, tồn tại để khẳng định vai trò quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đại biểu Vũ Hồng Thanh - Quảng Ninh cho rằng, hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật thì tỷ lệ thực hiện vẫn còn thấp.

Trong số 786 văn bản kiến nghị của KTNN thì chỉ có 136 văn bản được các cơ quan tiếp thu, xử lý. Điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Nên chăng Kiểm toán Nhà nước có thể phân loại cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật theo tỷ lệ cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, thay vì gộp thành con số gần 800 văn bản như đã nêu trên.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng - Kiên Giang cho rằng: KTNN còn chậm trễ trong việc kiểm tra tài chính công các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, khi phát hiện sai phạm trong kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ việc chuyển sang cơ quan điều tra, xét xử bao nhiêu vụ việc; chủ động chuyển hồ sơ hay cơ quan điều tra đề nghị phối hợp thực hiện mới chuyển… Qua đó, chúng ta sẽ thấy được trách nhiệm và tính chiến đấu của các kiểm toán viên như thế nào.

Đối với những kết luận, kiến nghị của KTNN trong thời gian dài không được triển khai thì cần quyết liệt xử lý, không để tình trạng “treo” kết luận kéo dài. Nếu kết luận kiểm toán chưa đúng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa và ngược lại phải kiên quyết xử lý dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chất lượng đột xuất, thanh tra chéo nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán