Những thủ đoạn xuyên tạc và bôi xấu lực lượng Công an nhân dân thời gian qua xuất hiện tương đối nhiều, với tần suất cao, đặc biệt trên các mạng xã hội nhằm tạo dư luận trong người dân, từ ác cảm, tiến tới không ủng hộ, chống đối lực lượng công an nhân dân.
Hơn 78 năm kể từ khi thành lập, lực lượng Công an nhân dân luôn đóng vai trò là “thanh bảo kiếm”, là “lá chắn thép” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hàng vạn chiến sĩ Công an nhân dân đã không quản ngại ngày đêm giữ vững an ninh trật tự, góp phần đem lại bình yên cho đất nước, cho nhân dân.
Thời gian gần đây, lực lượng này lại trở thành mục tiêu của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá. Những hành vi này không chỉ nhằm phủ nhận công lao của các cán bộ, chiến sĩ công an mà còn làm xấu đi hình ảnh lực lượng Công an nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
GS-TS, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an cho biết, những thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc và bôi xấu lực lượng công an nhân dân trong thời gian vừa qua xuất hiện tương đối nhiều, với tần suất cao, đặc biệt trên các mạng xã hội.
Theo cách gọi của những người làm công tác nghiên cứu về an ninh phi truyền thống, đó là "tuyên truyền đen". Đầu tiên họ thường tập trung vào vấn đề phi chính trị hóa quân đội và công an, thực chất là muốn tách công an và quân đội ra khỏi Đảng. Bằng nhiều hình thức, họ tuyên truyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó lực lượng công an cũng là một trong những tâm điểm của họ. Qua một số hình ảnh cán bộ công an vi phạm để quy kết cho cả lực lượng công an nhằm tạo dư luận trong người dân, từ ác cảm, tiến đến không ủng hộ, chống đối lực lượng công an nhân dân.
Tình trạng này xuất hiện nhiều trong điều kiện đất nước đang diễn ra nhiều sự kiện về kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt trong bối cảnh Bộ Chính trị đang tăng cường xây dựng lực lượng công an nhân dân tinh - gọn- mạnh và cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
PV: Thưa ông, thủ đoạn quy hiện tượng thành bản chất để bôi xấu hình ảnh người chiến sĩ công an nói riêng, lực lượng công an nhân dân nói chung, nhằm mục đích gì?
GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Về mặt hình thức, chúng ta thấy những tuyên truyền đó trước tiên làm tổn hại đến lực lượng công an nhân dân, để người dân hiểu sai, hiểu không tốt về lực lượng công an nhân dân và tiến tới một số phản ứng như tôi đã nói ở trên.
Tuy nhiên, nghiên cứu sâu thì thấy rằng, âm mưu sâu xa của kẻ thù và những đối tượng xấu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta xây dựng và phát triển đất nước rất cần sự đồng thuận xã hội, đại đoàn kết toàn dân tộc, nhưng kẻ thù luôn luôn tìm cách gây ra những xung đột xã hội, gây chia rẽ, tách quân đội, công an ra khỏi nhân dân, từ đó khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không bền vững; người dân từ chỗ ác cảm, nghĩ không tốt về lực lượng công an nhân dân sẽ dẫn tới có những xung đột xã hội, đỉnh cao dẫn tới chống đối lực lượng công an, sự thật đã có một số vụ việc xảy ra tại Tây Nguyên hay một số địa phương vừa qua. Đấy là cái đích mà kẻ thù mong muốn.
PV: Những luận điệu bôi nhọ, kích động này nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời sẽ gây những tác hại như thế nào?
GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Những hành vi đó là rất nguy hiểm, bởi có những điều không thật, không đúng, không có; nói một lần có ít người tin, nhưng nói một số lần, nói nhiều lần, sẽ có nhiều người tin. "Tuyên truyền đen" với lực lượng công an nhân dân cũng vậy. Trên nhiều phương tiện, người ta nói nhiều lần, người dân sẽ hiểu và nghĩ không tốt về lực lượng công an, người ta chỉ nhìn thấy những mặt xấu, mặt tiêu cực. Chính vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng ngăn chặn, xóa bỏ những hoạt động "tuyên truyền đen" như thế. Đối tượng sử dụng mạng xã hội rất đông, phần lớn là thanh niên và thanh thiếu niên. Nhiều quần chúng ở những vùng sâu, vùng xa là đối tượng nhẹ dạ cả tin, có khi chưa kiểm chứng thông tin đã vô tình lan truyền, chia sẻ thông tin, vô tình tiếp tay cho hoạt động tuyên truyền, cũng là cái đích của kẻ thù. Chúng ta ngăn chặn càng sớm càng tốt.
PV: Tuy nhiên, những thủ đoạn xuyên tạc, bôi xấu hình ảnh lực lượng công an nhân dân cũng không thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của công an nhân dân, thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui và lẽ sống của mình?
GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Trên thế giới này chỉ có 4 quốc gia dùng từ “công an nhân dân”. Cái tên này ở Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với hàm ý công an Việt Nam là từ dân, do dân và hoạt động vì nhân dân; cũng là nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, trong lịch sử hơn 78 năm qua, lực lượng công an nhân dân được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận trên rất nhiều mặt: đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh, lãnh thổ của Tổ quốc; phòng chống tội phạm; phòng chống tệ nạn xã hội; những hoạt động đời thường như giúp đỡ người dân gặt lúa trong ngập lụt, giúp đỡ người già, trẻ em trong an toàn giao thông…
Đặc biệt trong phòng chống đại dịch vừa qua, công an cũng là một trong những lực lượng tiên phong cùng các ngành, các cấp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”… Với mô hình công an như hiện nay là tinh, gọn, mạnh, hướng về cơ sở, có thể nói, công an nhân dân rất gần dân, sát dân, luôn cùng với nhân dân để đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự. Những điểm này không ai có thể phủ nhận, kể cả kẻ thù của chúng ta.
Cho nên, những đối tượng cố tình phản bác lại dựa trên một số hiện tượng rất nhỏ của lực lượng công an, như “con sâu làm rầu nồi canh”, phủ nhận, quy kết công lao của cả một lực lượng, là không thể chấp nhận được.
PV: Những tiếng nói xuyên tạc, bôi xấu hình ảnh lực lượng Công an nhân dân không còn là những tiếng nói lạc điệu mà phải coi là hành vi vi phạm pháp luật?
GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Trước đây, nói về bảo vệ an ninh quốc gia thường nói đến chủ quyền trên vùng đất, vùng trời, vùng biển. Hiện nay, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, có cả chủ quyền trên không gian mạng. Đối với một số hành vi ở mức độ ít nghiêm trọng, sẽ xử lý về mặt hành chính; với trường hợp nghiêm trọng, cần điều tra, khởi tố, truy tố hình sự. Cần có điều tra, xét xử điểm tại các địa bàn để làm gương răn đe, phòng ngừa cho các đối tượng khác.
Trên thế giới có rất nhiều quy định pháp lý để giải quyết những vấn đề như thế này. Ví như Trung Quốc có quy định rất khắt khe, họ có thuận lợi là phần lớn mạng xã hội của người Trung Quốc do Chính phủ nước họ quy định. Tuy nhiên, họ cũng có những quy định không được tuyên truyền những vấn đề như chúng ta đang nói tới trên mạng xã hội, không chỉ bôi nhọ, nói xấu lực lượng công an nhân dân, mà nói xấu đảng, nhà nước cũng như quốc gia, kể cả với đồng nghiệp…
Với những quốc gia như ở ta chưa có điều kiện để xây dựng mạng xã hội quốc gia, họ có quy định đối với trường hợp nghiêm trọng, không cho phép nhà mạng hoạt động trên đất nước họ.
Ngay cả ở Mỹ, nơi có rất nhiều nhà mạng nổi tiếng thế giới, họ cũng quy định rất chặt chẽ. Các nhà mạng nếu xâm phạm đến an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia của nước Mỹ là không được phép.
Không chỉ riêng nước Mỹ, các nước trên thế giới đều quy định như vậy, không phải công dân muốn làm gì thì làm, kể cả những nước có nền dân chủ lâu đời trên thế giới.
PV: Dù chúng ta quyết liệt ngăn chặn nhưng các thế lực thù địch vẫn tìm đủ mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Việt Nam nói chung, xuyên tạc lực lượng công an nói riêng. Theo ông, người dân cần xây dựng ý thức cảnh giác và nâng cao sự hiểu biết để chủ động phòng chống?
GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Trước tiên, khi thông tin chưa được kiểm chứng, chưa xác định thông tin xấu độc hay thông tin thật, thì không chia sẻ cho những người khác. Đặc biệt, để kiểm chứng thông tin này, cần phải có sự so sánh với những thông tin thật, có thể tham khảo cơ quan chức năng hoặc những người có trách nhiệm để kiểm chứng lại thông tin.
Cẩn thận không bao giờ là thừa. Trong quy định về an ninh thông tin, người ta nói có “5K”, giống như thời kỳ phòng chống Covid. Khi thông tin chưa được kiểm chứng thì không chia sẻ, không vội vàng quy kết. Để giúp người dân có thêm thông tin, thì các phương tiện thông tin đại chúng phải kịp thời tuyên truyền, giúp người dân hiểu đó là những thông tin xuyên tạc, nói xấu của kẻ thù nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có lực lượng công an…
PV: Để giải quyết tận gốc vấn đề, cùng với đấu tranh với các luận điệu sai trái, bảo vệ uy tín cho lực lượng công an, ngành công an cũng cần đẩy mạnh quyết tâm hơn nữa trong xử lý sai phạm, siết chặt kỷ cương, làm trong sạch bộ máy?
GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Trong thời gian vừa rồi, trong điều kiện kinh tế thị trường, hoạt động của công an luôn tiếp xúc với các mặt trái của xã hội. Bên cạnh những thành tích, ưu điểm là cơ bản, cũng có một số cán bộ chiến sĩ trong cơ quan của Bộ cũng như công an địa phương, vi phạm pháp luật, khiến các đối tượng vin vào đó để nói xấu, bôi đen lực lượng công an.
Đảng ủy công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp này. Bộ Công an cũng đề xuất đề nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 12 về xây dựng lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới.
Điểm đầu tiên là xây dựng lực lượng công an cách mạng, ngoài lòng trung thành với Đảng, với chế độ, với nhà nước, phải tăng cường văn hóa ứng xử của lực lượng công an nhân dân trước xã hội, để trước mắt người dân, công an là những hình mẫu tốt, đại diện cho chính quyền.
Điểm thứ hai, Bộ Công an tổ chức một diễn đàn nhân dân góp ý cho lực lượng công an. Diễn đàn được tiến hành thường xuyên, đặc biệt công an cơ sở nghe nhân dân góp ý, những ưu điểm thì phát huy, mặt chưa được thì phải sửa chữa. Nhiều mô hình tốt như Công an tỉnh Lạng Sơn với phong trào “Nụ cười chiến sĩ công an Lạng Sơn”, quy định tất cả cán bộ chiến sĩ công an khi tiếp dân phải có nụ cười vui vẻ, thái độ tốt; hay Công an tỉnh Nam Định có phong trào “Tiếp dân như tiếp khách quý” tại các cơ quan, trụ sở của công an… Các hoạt động đó của ngành công an cũng là cách thức gián tiếp để kẻ địch không có cớ thực hiện những hành vi phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền và bôi xấu lực lượng công an.
PV: Xin cảm ơn ông.