Khuyến khích công dân ngoài Đảng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội

Quốc Huy (thực hiện)| 02/03/2016 10:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp sẽ diễn ra vào ngày 22/5/2016 tới. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Để có danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận công tác hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và HĐND.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ tổ chức diễn ra vào ngày 16/2 vừa qua và chuẩn bị bước sang hội nghị hiệp thương lần 2 và 3 thời gian tới đây. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Tại Hội nghị hiệp thương vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh để tăng số người ứng cử là người ngoài Đảng và giảm đại biểu thuộc khối hành pháp. Vậy trong Hội nghị hiệp thương lần 2 tới đây có sự điều chỉnh gì không, thưa ông?

Khuyến khích công dân ngoài Đảng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi cho rằng hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vừa qua đã thành công tốt đẹp. Tại hội nghị này, Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam đã thảo luận rất sôi nổi với tinh thần dân chủ, xây dựng tập trung vào Bản dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do UBTVQH chuẩn bị. Hầu hết các ý kiến tán thành với bản dự kiến đó. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến đề nghị thay đổi về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử theo hướng tăng thêm thành phần các dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, doanh nhân. Khối kinh tế và người ngoài Đảng cũng đã có trong bản dự kiến cơ cấu thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội của UBTVQH, nhưng vẫn còn ít so với mong muốn của nhiều đại biểu. Tôi cũng đồng tình với các ý kiến này, tuy nhiên, với việc hướng dẫn tăng số lượng người được giới thiệu ứng cử, ít nhất là gấp hai lần so với số đại biểu được bầu ở các địa phương thì hy vọng sẽ có thêm người ngoài Đảng ứng cử và trúng cử. Mặt khác, các doanh nhân, người ngoài Đảng có thể tham gia ứng cử bằng con được tự ứng cử. Nếu người tự ứng cử có đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo luật định, được MTTQ hiệp thương đưa vào danh sách cuối cùng thì đều có cơ hội để trúng cử.

PV: Vậy, làm thế nào để lựa chọn những đại biểu đạt tiêu chuẩn, tránh tình trạng bầu cho đủ cơ cấu, số lượng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Pha: Về chất lượng của đại biểu thì bất cứ là ai, thuộc khối nào, nhà nước hay phi nhà nước đều phải đủ điều kiện theo luật định. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Với bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND thì mọi công dân từ đủ 21 tuổi trở lên nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật bầu cử đều được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Do vậy không thể có những quy định phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử.

PV: Cũng tại hội nghị hiệp thương vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, số đại biểu chuyên trách nên chiếm 1/3 số lượng ĐBQH, như vậy hoạt động của Quốc hội sẽ ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi cũng đồng tình với ý kiến này. Các cơ quan có thẩm quyền cũng đã cố gắng để giảm bớt số đại biểu khối các cơ quan hành chính trong Quốc hội và HĐND các cấp. Theo hội nghị hiệp thương, ở Trung ương, khối Chính phủ chỉ có 18 đại biểu, trong đó bao gồm 3 cơ quan báo chí lớn. Như vậy thực chất khối thường trực Chính phủ và các bộ ngành chỉ còn 15 đại biểu. Chúng ta có gần 30 Bộ, ngành thì số đại biểu như trên cũng không phải là nhiều. Trong bối cảnh Quốc hội của chúng ta chưa phải hoạt động chuyên trách 100% thì việc tham gia của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo một số Bộ, ngành trong Quốc hội theo tôi là rất cần thiết cho Quốc hội, giúp cho Quốc hội làm tốt hơn chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

PV: Chuẩn bị hội nghị hiệp thương lần 2 và 3, ông có thể cho biết việc triển khai sắp tới sẽ diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Pha: Trên cơ sở giới thiệu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và hồ sơ người tự ứng cử do Ủy ban bầu cử cấp tỉnh chuyển đến (đối với cấp tỉnh) thì Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ cấp tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử để gửi đi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử. Sau khi tổ chức xong hội nghị cử tri nơi cư trú để nhận xét, bày tỏ tín nhiệm với người ứng cử xong thì sẽ tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ thỏa thuận lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử gửi tới Hội đồng bầu cử quốc gia để công bố danh sách chính thức những người ứng cử và phân bổ về các đơn vị ứng cử.  

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV đã đưa ra số lượng là 198 đại biểu. Trong đó, các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu. Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) 15 đại biểu; Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an) 3 đại biểu;  TANDTC 1 đại biểu; VKSNDTC 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu;  Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 31 đại biểu, trong đó có đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử và nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu…

Như vậy, theo Nghị quyết, ĐBQH khóa XIV ở Trung ương tăng 15 người so với khóa XIII (khóa XIII là 183 ĐB). Đáng chú ý, số tăng này đều là ĐBQH chuyên trách để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Số lượng ĐBQH ở các cơ quan Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên không thay đổi so với khóa XIII.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích công dân ngoài Đảng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội