Khủng hoảng tâm lý ở giới trẻ

Hạ Nhiên| 27/09/2022 18:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo cáo thường niên tình hình trẻ em thế giới 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có gần 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong do tự tử ở người trẻ là câu hỏi nhức nhối, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.

Tuy nhiên về biện pháp giải quyết, ý kiến chung cho rằng, một trong các giải pháp hữu hiệu nằm ở mỗi cá nhân, trong mỗi gia đình: đó là giải pháp của yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống khủng khoảng tâm lý (PCP) năm 2010, ở Việt Nam thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15 - 24 là nhóm lứa tuổi có ý định tự sát cao nhất. Tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia năm 2010 về trẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam thực hiện trên 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy: 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% trong số đó đã tìm cách kết thúc cuộc sống.

Một nghiên cứu năm 2016 tiến hành trên học sinh trung học phổ thông cho kết quả: tỷ lệ trẻ vị thành niên đã từng nghĩ đến tự tử là 14,1%; tỷ lệ đã từng lên kế hoạch tự tử là 5,7% trong vòng 1 năm (Lê Thị Hồng Minh và cộng sự, 2016). Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2016, Việt Nam là một trong 13 quốc gia có tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử cao nhất (1,8/100000). Theo báo cáo thường niên tình hình trẻ em thế giới 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trên toàn cầu, cứ 7 em từ 10 đến 19 tuổi thì có nhiều hơn một em bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.

Mỗi năm có gần 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến đây trở thành một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. Các số liệu trên đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên hiện nay.

1(4).jpg
Ảnh minh hoạ

Các chuyên gia y tế phân tích dưới góc độ bệnh lý học thì cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tự tử là do bệnh trầm cảm. Những trẻ trầm cảm thường có khí chất khó khăn, khó thích nghi, trầm buồn, có tính lệ thuộc cao và có khuynh hướng dễ bị suy sụp sau một sự kiện bất lợi như bị từ chối, hắt hủi, hay thất bại… Trong khi đó, các nhà giáo dục cho rằng nguyên nhân gây ra tự tử của những người trẻ tuổi chính là do sự thiếu hụt các kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề. Sự bế tắc và cô đơn cùng cực trong giai đoạn khủng hoảng của lứa tuổi này cũng là một nguyên nhân khiến nạn tự tử tăng cao. Đó là những chia sẻ của TS. Vũ Thị Kim Hoa, hẳn khiến mỗi chúng ta đầy lo lắng.

Trong một số trường hợp trẻ có hành vi tự tử. Theo một nghiên cứu của A.E.Lichko, nhà tâm thần học ở Liên Xô (cũ), thì hành vi tự tử ít khi là một lựa chọn có ý thức, thường thì đó là bước tuyệt vọng của một người không còn khả năng nào để giải quyết những vấn đề của mình và chỉ khoảng 10% trường hợp tự tử của thiếu niên là thật sự không muốn sống, 90% còn lại là những lời kêu cứu.

Vậy có những giải pháp nào giải quyết những nan đề ấy?

Biện pháp phòng bệnh đầu tiên là sự thấu hiểu – dĩ nhiên không phải bố mẹ nào cũng là nhà tâm lý để có thể có sự thấu hiểu toàn diện với đứa trẻ, nhưng ít ra, cần nắm bắt những hiểu biết cơ bản nhất về năng lực, sở thích và nhu cầu của con mình.

Điều thứ hai là hãy lắng nghe, cũng chỉ đơn giản là đừng "truy vấn" đứa trẻ bằng những câu hỏi tại sao? muốn gì? Có hay không mà nên là những câu gợi mở để trẻ được nói ra những nhu cầu của mình. Cũng có khi không phải bằng lời nói mà chúng ta còn phải lắng nghe các ngôn ngữ cơ thể của các em, các dấu hiệu, các hành vi và nét mặt…

Điều thứ ba chính là sự tôn trọng. Tôn trọng chứ không phải chiều chuộng, không phải nể nang hay tránh né, mà đó là sự nhìn nhận những giá trị cần thiết về nhân cách của đứa trẻ. Cha mẹ cần coi con như bạn, trao đổi, đối thoại nhẹ nhàng, tuyệt đối không bạo hành tinh thần hay thể xác đối với con, để con cảm nhận được sự tin cậy, yêu thương và bao dung của mình.

Chuyên gia Lê Khanh cho rằng, nhiều phụ huynh áp đặt, tạo áp lực về học hành, điểm số, cấm đoán bất chấp... chê bai và mắng mỏ, đánh đòn. Điều này khiến trẻ sinh ra chán nản, buông xuôi, dẫn đến các rối loạn về tâm lý. Nên nhớ, sức khỏe tinh thần, giống như sức khỏe thể chất, cần được chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày. Nên chú ý các dấu hiệu và có biện pháp ngăn chặn trước khi vấn đề bùng phát nghiêm trọng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng tâm lý ở giới trẻ