Ngày 17/3, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế ven biển phía Nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng”.
Theo hoạch định, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có tổng diện tích 20.000 ha, ven theo đường cao tốc ven biển, khu vực sông Văn Úc, khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn, khu vực sân bay Tiên Lãng, trải dài từ quận Đồ Sơn đến huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng là Khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại; đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới; quan tâm giữ gìn giá trị văn hóa và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng sẽ được định hướng triển khai khu thương mại tự do, được ưu tiên phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.
Đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2023. Khu kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh, việc thành lập khu kinh tế mới là nhằm tranh thủ dư địa phát triển của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước vào Việt Nam. Với vị trí quan trọng trong vùng động lực đồng bằng sông Hồng, nằm tại 3 hành lanh kinh tế quan trọng, Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.
Các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất phương án phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng về: phát triển Khu công nghiệp; phát triển đô thị; kết nối giao thông; không gian xanh, cảng Nam Đồ Sơn, Khu Công nghiệp phía Bắc sông Văn Úc, sây bay Tiên Lãng và hệ sinh thái rừng; đồng thời đưa ra lộ trình phát triển, khái toán và giải pháp thực hiện cho từng giai đoạn…
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, năm 2023, thành phố Hải Phòng cũng ký biên bản ghi nhớ với Cảng Los Angeles Và Cảng New York & New Jersey (Hoa Kỳ) về phát triển tổ hợp cảng biển, sân bay, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics với quy mô 5-10 tỷ USD.
Theo dự kiến phân kỳ đầu tư, trong năm 2024-2025, thành phố xúc tiến đề xuất hành lập khu kinh tế này; giai đoạn 2026-2030 lập, trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu chức năng và bắt đầu thu hút đầu tư các dự án thứ cấp; sau năm 2030 tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tiếp tục thu hút đầu tư...
Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp đang hoạt động, được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích hơn 6.000 ha, quỹ đất sản xuất công nghiệp hơn 4.000 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 60,5%. Các khu công nghiệp này có vị trí ngày càng quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của địa phương .
Hải Phòng cũng đã có phương án chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới với tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch xây dựng, ngoài các khu kinh tế, Hải Phòng quy hoạch 25 khu công nghiệp với tổng diện tích tối đa 15.777 ha.
Trong năm 2023, Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu (752 ha), Khu công nghiệp Tiên Thanh (410 ha). Đến nay, hai khu công nghiệp này đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng; dự kiến năm 2024-2025 sẽ đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng thêm 13 khu công mới, tổng diện tích gần 5.000 ha; trong đó có Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3 và Giang Biên, tổng diện tích hơn 1.383ha đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
Năm 2023, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn, song kinh tế Hải Phòng vẫn đứng trong tốp đầu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước.
Năm 2024, Hải Phòng đặt kỳ vọng thu hút từ 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài FDI. Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hải Phòng đạt 165,24 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó cấp mới trong khu kinh tế, khu công nghiệp 11 dự án, đạt 149,18 triệu USD, (chiếm 99,27%);… Đến nay, trên địa bàn thành phố có 933 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD.