Không xóa bỏ, cũng không ép buộc

Trung Nguyễn| 18/04/2019 08:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hiện đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

Cơ quan này cũng vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức một cuộc tọa đàm với chủ đề “Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp”.

Theo VCCI, Luật Doanh nghiệp hiện hành chỉ điều chỉnh khu vực doanh nghiệp, tức bao gồm hơn 700 nghìn doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 8% GDP, trong khi đó khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp tới 30% GDP, tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, thành viên ban soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, thì Luật này - như tên gọi của chính nó, không điều chỉnh các hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh mới chỉ được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Hiện nay, từ khái niệm cho tới địa vị, trách nhiệm pháp lý của hộ kinh doanh đều không rõ ràng. Các hộ kinh doanh chịu nhiều hạn chế như chỉ được kinh doanh ở một địa điểm, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không có quy định về thủ tục giải thể, phá sản và không được hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Theo ông Hiếu, các quy định “rất bấp bênh”, không rõ ràng như vậy, đang gây ra rất nhiều lúng túng.

Mặt khác, theo ông Hiếu, cũng không thể tiếp cận đối tượng hộ kinh doanh theo hướng “buộc” họ phải đăng ký doanh nghiệp. Thực tế, pháp luật hiện hành đã có các quy định khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Do đó, việc xóa bỏ hộ kinh doanh hay bắt buộc họ chuyển thành doanh nghiệp đều không đúng, không hợp lý. Ngược lại, pháp luật phải tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân tận dụng các cơ hội kinh doanh.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế của VCCI cũng cho rằng, nhiều người đã hiểu sai các ý kiến đề xuất về hộ kinh doanh. “Không ai đề nghị xoá bỏ 1,6 triệu hộ kinh doanh, cũng không ai đề nghị thúc 1,6 triệu hộ này phải thành lập doanh nghiệp”, ông Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, có ý kiến khác đề nghị coi các hộ kinh doanh là doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta vẫn coi hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp. Nhưng đề xuất coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp không phải là yêu cầu 1,6 triệu hộ kinh doanh phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, mà chỉ đơn giản là mở rộng khái niệm doanh nghiệp, bao gồm cả các hộ kinh doanh.

Tới nay, các ý kiến tranh luận đều thống nhất phải gọi hộ kinh doanh với một cái tên khác. Phương án được nhiều người đồng tình nhất là coi các hộ kinh doanh trở thành cá nhân kinh doanh.

Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tư nhân, cho phát triển kinh tế xã hội. 

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh quan điểm của những người soạn thảo, của cơ quan hoạch định chính sách là không xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không bắt họ lên doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn về mặt pháp lý, tức là nhà nước sẽ bảo hộ các hộ kinh doanh, giúp tối đa hóa các nguồn lực, xóa bỏ các hạn chế với họ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không xóa bỏ, cũng không ép buộc