Phát biểu mới đây của người đứng đầu một cơ quan báo chí ở Hà Nội đang được sự quan tâm của dư luận. Ông này cho biết cơ quan ông có tới 40% nhân viên vô tích sự mà không thể “đuổi” vì họ là thành phần 5C (“Con cháu các cụ cả”).
Câu chuyện tinh giản biên chế tiếp tục có những thông tin về khó khăn bởi hiện nay chỉ có thể thực hiện không tăng thêm chứ rất khó giảm bớt. Nhiều giải pháp được đưa ra và việc dự kiến bỏ tiền ra “mua lại” chiếc ghế định biên đã được tính đến như ở Đà Nẵng là một ví dụ.
Theo đó, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã hoàn thành dự thảo chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc với mức hỗ trợ cao nhất lên đến 200 triệu đồng mỗi người. Ngoài số tiền hỗ trợ nêu trên, cứ mỗi tháng làm việc còn lại tính đến thời điểm nghỉ hưu, người tự nguyện thôi việc sẽ được tính bằng một tháng lương hiện lĩnh.
Ước tính một cán bộ lãnh đạo diện Thường vụ Thành ủy quản lý có mức lương tháng khoảng 10 triệu đồng, nếu nghỉ hưu trước 5 năm thì có thể nhận khoảng 600 triệu lương hiện hưởng, cộng với 200 triệu tiền hỗ trợ thôi việc. Nghĩa là nghỉ không làm việc vẫn hưởng nguyên lương lại còn được hưởng khoản phụ cấp 200 triệu.
Điều này sẽ phát sinh thêm một khoản chi rất lớn đối với ngân sách Thành phố. Lý do của chính sách này được đưa ra là nhằm tạo cơ hội cho những cán bộ trẻ đảm đương công việc lãnh đạo nhưng lý do này xem ra có quá nhiều vấn đề khó hiểu. Trước hết, công tác quy hoạch cán bộ phải được chuẩn bị từ lâu và không có lý do gì mà phải gấp gáp tìm ghế bố trí cho cán bộ trẻ.
Và quan trọng hơn, lực lượng cán bộ lớn tuổi hiện nay làm việc như thế nào, hiệu quả ra sao khi sẵn sàng nghỉ việc mà không ảnh hưởng đến công tác phục vụ người dân? Các chuyên gia nhận xét, đề xuất này tuy có thể hiện quyết tâm của chính quyền Đà Nẵng trong việc đổi mới công tác cán bộ, trẻ hóa đội ngũ nhưng lại trái với luật lao động và nhiều quy định khác.
Bên cạnh đó, đề xuất này không vận động tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi mà là tự nguyện thôi việc nghĩa là từ bỏ quyền lợi về hưu trí do đã nhận hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi xin thôi việc. Xem ra sẽ rất ít người sẵn sàng “tự nguyện” kiểu này.
Các chuyên gia lưu ý HĐND thành phố Đà Nẵng cần cân nhắc kỹ khi Trung ương đang khuyến nghị hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng "khuyến khích ngược". Theo đó, có những nhân sự lãnh đạo, quản lý đang làm tốt công việc, lẽ ra cần giữ lại để tiếp tục công tác còn để bồi dưỡng, dìu dắt thế hệ trẻ thay thế thì lại xin nghỉ sớm vì thấy chính sách quá hấp dẫn. Dự thảo khiến người dân Đà Nẵng phân vân vì chưa làm rõ mục đích "chọn người để nghỉ hay để làm việc". Thành phố xác định cần lãnh đạo phục vụ công việc thì phải "chọn người để làm, chứ không phải để nghỉ.
Một số đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cho hay, để giữ chân những cán bộ cao tuổi nhưng mẫn cán, đảm đương tốt công việc, dự thảo đã nêu ra điều kiện ràng buộc là người xin thôi việc phải "được cơ quan quản lý và cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý cho phép”.
Dư luận không khỏi băn khoăn, phải chăng cách làm trên nhằm giải quyết cho tình trạng ghế ít người nhiều đang phổ biến ở Đà Nẵng cũng như hầu hết các tỉnh, thành hiện nay.
Tạo điều kiện cho cán bộ trẻ là rất cần thiết nhưng nếu “trẻ hóa” bằng bất kỳ giá nào mà không dựa vào năng lực thực sự thì chẳng giúp ích gì cho Đà Nẵng. Và giải quyết cho cán bộ nghỉ hưu sớm nhất thiết không phải là chuyển nhượng vị trí công tác như chuyển nhượng một cái ghế.