Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trước một số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trong dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tập trung soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế có liên quan tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, bảo đảm cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, trong các quy định về khoản vay đặc biệt, dự thảo luật quy định, trong điều kiện không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém, cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ để giúp các tổ chức tín dụng có triển vọng phục hồi, tránh nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống. Việc quy định các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay của NHNN thì được vay đặc biệt của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng khác phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực từ bên ngoài.
Đặt ra vấn đề không sử dụng ngân sách nhà nước trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – TP Hà Nội cho rằng, nguyên tắc này chưa được quán triệt một cách triệt để trong dự thảo Luật.
Đại biểu Lưu Thị Mai phân tích, với các khoản vay đặc biệt có mức ưu đãi 0%, dự thảo Luật chưa làm rõ các tổ chức tín dụng sau khi được hưởng những khoản vay này nhưng vẫn không thể phục hồi, vẫn phá sản và không thể thanh toán được thì sẽ xử lý như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm các khoản vay này? Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng như ở một số văn bản mang tính chỉ đạo gần đây có sử dụng khái niệm "không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém". Đại biểu đặt ra câu hỏi, quy định như vậy tức là có thể sử dụng ngân sách gián tiếp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém?
Cũng phát biểu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa -TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên né tránh nói là không dùng đến ngân sách nhà nước trực tiếp nhưng lại sử dụng gián tiếp. Cụ thể là chúng ta cho vay với lãi suất 0%. Nếu có ảnh hưởng thì chúng ta cũng phải xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho cử tri, nhân dân biết.
Cần đảm bảo quyền lợi người gửi tiền
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc quy định mức bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng sẽ tạo ra sự chênh lệch quá lớn khi khách hàng gửi tiền có giá trị lên đến hàng tỉ đồng mà gặp trường hợp rủi ro (như phá sản).
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng quy định mức bảo hiểm tiền gửi tối đa như trên là chưa hợp lý. Do vậy, dự luật cần điều chỉnh mức bảo hiểm tiền gửi tương xứng hợp lý khi người gửi tiền gặp rủi ro.
Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), dự luật cần quy định bảo vệ quyền lợi, người gửi tiền là ưu tiên số một vì nguồn tiền gửi chiếm 85% nguồn vốn huy động của TCTD. ĐB Thủy cho rằng quyền lợi của người gửi tiền vẫn chưa được quy định rõ nét trường hợp ngân hàng đổ vỡ.
“Việc chi trả bảo hiểm cần tương ứng tiền gửi, bởi như hiện nay việc chi bảo hiểm tiền gửi của người gửi 100 triệu đồng cũng bằng người gửi 1 tỉ đồng” - bà Thủy cho rằng điều này là bất hợp lý.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết khi ngân hàng đã lâm vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, thường các cổ đông không hợp tác để xử lý. Vì vậy, theo thời gian, tình trạng yếu kém của các tổ chức tín dụng này ngày càng trầm trọng. Thực trạng này dẫn đến bất ổn rất lớn đến chính ngân hàng đó cũng như an toàn hệ thống và tiềm ẩn nguy cơ là người gửi tiền sẽ rút tiền hàng loạt.
Do đó, dự luật cần đưa ra các quy định cho phép sự can thiệp của Nhà nước để chấm dứt quyền cổ đông. Điều này là rất cần thiết, bởi nó cho phép Nhà nước được chủ động xử lý những rủi ro tiềm ẩn để có thể bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội.
“Thẩm quyền quyết định chủ trương phê duyệt phương án phá sản là của Chính phủ. Chủ trương phá sản chỉ xem xét trên nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi TCTD bị kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công phương án khác như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể và chuyển giao toàn bộ”, ông Hưng nói.