Mấy ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh 2 tài xế bị cảnh sát giao thông (CSGT) phạt chống đẩy. Nguyên nhân được cho là vì tài xế không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19.
Xung quanh vấn đề này, những ngày qua đã xuất hiện các ý kiến trái chiều. Một số ý kiến khác cho rằng, thẩm quyền xử phạt trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng thuộc Chủ tịch UBND xã, phường. Thông tư 01/2016/TT-BCA, Cảnh sát giao thông chỉ có quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác. CSGT xử phạt người không đeo khẩu trang (nếu có) là không đúng với thẩm quyền. Mặt khác, trong các hình thức xử phạt hành chính không có hình thức nào là phạt chống đẩy. Vì thế, cả thẩm quyền và hình thức xử phạt trong trường hợp này là trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ và cho rằng, có thể coi đây là biện pháp “khẩn cấp tạm thời” có thể áp dụng trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 đang lan nhanh và khó kiểm soát ở hầu khắp các quốc gia như hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) đã trả lời phỏng vấn báo chí và khẳng định, việc lực lượng thực thi công vụ áp dụng hình thức đó là sai và phải dừng ngay việc làm này lại.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp)
Theo bà Nguyễn Thanh Hà: Thông tin về vấn đề chép phạt đã được Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trả lời từ năm 2016, khi “hình thức” xử phạt này được áp dụng với nữ sinh Đà Nẵng đi vào đường ngược chiều. Việc địa phương “sáng tạo” ra cách xử phạt vi phạm giao thông như chống đẩy vừa qua cũng tương tự việc bắt chép phạt trước đây.
Những cách làm trong xử phạt vi phạm hành chính mà mà báo chí nêu vừa qua là không đúng quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, mang nặng ý chí chủ quan của người thi hành công vụ. Đối với những hành vi bị nghiêm cấm, Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ đây là các hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, các hành vi áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 quy định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trước những ý kiến đồng tình với những tình huống “sáng tạo” trong phòng chống dịch như vừa qua và đề nghị bổ sung vào Luật xử lý vi phạm hành chính để áp dụng trong những trường hợp khẩn cấp nhằm khống chế dịch bệnh… bà Hà cho rằng, cần phải tính toán kỹ lưỡng; làm rõ cơ sở lý luận và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành, tính phổ biến của hình thức xử lý đó trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và đặc biệt là tính khả thi của biện pháp cũng như kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
Tài xế bị phạt chống đẩy vì không đeo khẩu trang (Nguồn: Internet)
Trước mắt, trong điều kiện hiện nay, pháp luật đã quy định rõ việc áp dụng không đúng hình thức xử phạt là hành vi vi phạm pháp luật, một số người thuộc lực lượng thực thi công vụ phải dừng ngay các vụ việc đang thực hiện. Đối với trường hợp đã xảy ra, Thủ trưởng các cơ quan quản lý người có thẩm quyền cần nhắc nhở kịp thời và xử lý nghiêm khắc.
Để không lặp lại tình trạng tái diễn trên thực tế như thời gian vừa qua, trong trường hợp cần thiết, căn cứ tình hình thực tế, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật có thể sẽ gửi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý và báo cáo kết quả về vấn đề này, bà Hà cho biết.
Nghị định 19/2020/NĐ-CP quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. có hiệu lực thi hành từ ngày 31/3/2020. Nhưng quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các Điều 24, 25, 26, 27, 28 và 29 Nghị định này. Các hình thức kỷ luật được áp dụng gồm: Khiển trách, Cảnh cáo, Giáng chức, Cách chức, Buộc thôi việc.