Không nên quá lo về lạm phát năm 2022?

Trang Nhi| 04/01/2022 11:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia dự báo lạm phát cao trong năm sau sẽ tăng vọt, tuy nhiên, cũng không cần phải quá lo lắng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước, sau hai tháng giảm liên tiếp. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI dù tăng 2,1%, cao hơn so với tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu.

lam-phat-nam-sau.jpg
Khả năng lạm phát sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến phía cầu chứ không chỉ là sức ép tăng giá từ phía cung. Ảnh: Quý Hòa

Theo khối nghiên cứu của HSBC, nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu liên tục tăng cao. Theo đó, chi phí vận chuyển tăng 3,1% so với tháng trước, tương đương mức tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng trở lại sau hai tháng giảm.

Tuy nhiên, mối lo ngại gần đây được nhắc đến nhiều ở câu chuyện kỳ vọng lạm phát cao trong năm sau, đi cùng bức tranh chung về lạm phát cao trên toàn thế giới. Theo đó, Việt Nam hiện đứng trước nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát như chi phí giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới, cùng nhu cầu của thế giới dần yếu lại.

Dù vậy, viễn cảnh lạm phát của Việt Nam không đáng ngại. Theo Tiến sĩ Yen Chen-Hui, Giám đốc Chiến lược Yuanta Investment Consulting, Đài Loan (Trung Quốc), lạm phát hiện nay là kết quả của việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng, khiến cầu cao hơn cung tạm thời, chứ không phải là lạm phát cơ bản.

“Lạm phát năm sau vẫn sẽ ở mức cao, nhưng Việt Nam nên coi lạm phát tăng là bình thường. Các nhà đầu tư cũng không nên lo lắng quá mức về câu chuyện lạm phát trong năm sau”, ông Yen chia sẻ quan điểm.

Tương tự, báo cáo chiến lược của VNDirect mới đây cho rằng khả năng kiểm soát lạm phát và tỉ giá của cơ quan quản lý trong quá khứ là rất tốt, và hiện còn rất nhiều công cụ để giúp kiểm soát nên thị trường chỉ cần thận trọng chứ không nên quá lo ngại về lạm phát. Mặt khác, khả năng lạm phát sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến phía cầu chứ không chỉ là sức ép tăng giá từ phía cung.

“Chúng tôi không quá lo ngại về rủi ro lạm phát trong năm tới do cầu tiêu dùng cần nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn”, báo cáo của VNDirect đưa ra nhận định.

Khối phân tích cũng đánh giá việc kiểm soát lạm phát tốt của Chính phủ sẽ giúp giảm dần lạm phát kỳ vọng và cơ quan quản lý còn nhiều công cụ khác.

Theo VNDirect, áp lực lạm phát tăng trong năm sau vì cầu tiêu dùng nội địa phục hồi, áp lực từ giá chi phí đầu vào vẫn giữ mức cao trên thế giới. Ngoài ra, nhiều yếu tố đầu vào đã tăng mạnh trong thời gian qua như giá xăng dầu, hóa chất, phân bón, than, sắt thép… rất có thể sẽ phản ánh vào giá hàng tiêu dùng trong năm sau khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi.

Giá năng lượng cũng là điểm cần chú ý. Theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, thị trường cần theo dõi sát giá năng lượng đang tăng lên để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai, với hệ quả kéo theo là chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không nên quá lo về lạm phát năm 2022?