Như chúng tôi đã có bài viết bàn về việc giao TANDTC quản lý các Tòa án địa phương trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và tiến trình cải cách tư pháp.
Ở bài viết này, chúng tôi xin đề cập sâu hơn những thay đổi mạnh mẽ kể từ khi Tòa án địa phương được chuyển giao từ Bộ Tư pháp sang TANDTC quản lý, cũng như những căn cứ về việc không cần thiết thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia để quản lý các Tòa án địa phương.
Có sự thay đổi rõ nét trong 12 năm qua
Dự thảo Luật Tổ chức TAND quy định “TANDTC quản lý các TAND về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân” là kế thừa Điều 17 của Luật Tổ chức TAND năm 2002. Theo tinh thần cải cách tư pháp thì TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính nhưng để bảo đảm sự giám sát của cơ quan dân cử thì Hiến pháp vẫn quy định, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án TAND. Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị thì TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm khu vực chịu sự giám sát của HĐND. Hoạt động giám sát cũng là một nội dung của quản lý nhà nước.
Thực tế cho thấy, quá trình 12 năm thực hiện việc TANDTC quản lý các Tòa án địa phương đã có sự thay đổi rõ nét về mọi mặt. TANDTC đã phối hợp chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời với Hội đồng nhân dân địa phương, Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý các Tòa án về tổ chức. Các Tòa án thuộc quyền quản lý của TANDTC được từng bước kiện toàn về cơ cấu tổ chức, bổ sung biên chế, số lượng Thẩm phán, bảo đảm đúng cơ cấu chức danh, tiêu chuẩn và thủ tục tuyển chọn theo quy định; chất lượng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được nâng cao; cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc của các Tòa án ngày càng được cải thiện; hoạt động xét xử và các mặt công tác khác của các Tòa án có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp xét xử oan sai nghiêm trọng; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán…
Cụ thể, theo biên bản bàn giao năm 2002, Bộ Tư pháp đã bàn giao sang TANDTC 61 TAND cấp tỉnh, 629 TAND cấp huyện, 9 Tòa án quân sự cấp quân khu và 17 Tòa án quân sự khu vực. Tính đến 30/6/2013, cả nước có 764 TAND, bao gồm: TANDTC, 63 TAND cấp tỉnh và 700 TAND cấp huyện. Số lượng các Tòa án so với năm 2002 đã tăng 71 Tòa án cấp huyện, hai TAND cấp tỉnh.
Năm 2002, các TAND đã bổ nhiệm được 3.466 Thẩm phán, còn thiếu 1.288 Thẩm phán; tính đến ngày 30/6/2013, đã bổ nhiệm được 4.957 Thẩm phán (bao gồm 109 Thẩm phán TANDTC, 1.013 Thẩm phán cấp tỉnh, 3.835 Thẩm phán cấp huyện), 6.702 Thẩm tra viên và thư ký Toà án, 1.965 chức danh khác.
Về trình độ của đội ngũ Thẩm phán TAND, tính đến nay, 100% Thẩm phán các TAND có trình độ cử nhân luật trở lên; trong số Thẩm phán TANDTC, 28% có trình độ trên đại học, 72% có trình độ cử nhân luật, 100% có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị, gần 70% có trình độ ngoại ngữ và tin học cơ sở; Trong số Thẩm phán trung cấp 7% có trình độ trên đại học, 93% có trình độ cử nhân luật, 70% có trình độ cao cấp hoặc cử nhân lý luận chính trị, 30% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, hơn 50% có trình độ ngoại ngữ và tin học cơ sở. Trong số Thẩm phán sơ cấp 6,5% có trình độ trên đại học, 93,5% có trình độ cử nhân luật, 31,2% có trình độ cao cấp hoặc cử nhân lý luận chính trị, 68,8% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, gần 35% Thẩm phán sơ cấp có trình độ ngoại ngữ và tin học cơ sở. Về đội ngũ Thẩm phán Tòa án quân sự, 100% Thẩm phán Tòa án quân sự các cấp có trình độ cử nhân luật trở lên; 12,7% có trình độ sau đại học, 58,8% có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Cùng với đó là trụ sở Tòa án các cấp được xây mới và sửa sang để đáp ứng nhu cầu công việc.
Như vậy, có thể thấy rằng, 12 năm qua, hệ thống Tòa án đã có sự thay đổi lớn về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Không cần thiết thành lập “Hội đồng tư pháp quốc gia”
Về ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia để quản lý các TAND về tổ chức, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 29 vừa qua, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình cũng đã thẳng thắn, TANDTC đề nghị không tiếp tục trình ra Quốc hội vấn đề này, bởi vì: Việc Luật Tổ chức TAND năm 2002 quy định TANDTC quản lý các TAND địa phương và Tòa án quân sự về tổ chức chính là sự thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Tiếp theo, để tăng cường chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 và Kết luận số 79-KL/TW và mới đây nhất là Kết luận số 92-KL/TW “Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
Nội dung của các văn kiện này đều không đặt lại vấn đề về quản lý các Tòa án về mặt tổ chức mà giao cho Ban cán sự Đảng TANDTC phải đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh, cải thiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các Tòa án, đáp ứng yêu cầu công tác xét xử và cải cách tư pháp trong tình hình mới. Hiến pháp 2013 đã không quy định một thiết chế khác để quản lý hệ thống các TAND; đồng thời không thể có một thiết chế quyền lực trùm lên quyền lực ngoài sự lãnh đạo của Đảng.
Ở nước ta, công tác tổ chức và cán bộ thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng có thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Thực hiện đúng quy trình về công tác cán bộ là điều kiện để lựa chọn được những người vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, đủ năng lực, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Thẩm phán.
Việc tiếp tục giao cho TANDTC quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc Chánh án TANDTC chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước (Điều 105); phù hợp với quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 719/2014/UBTVQH13 ngày 6/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC; Chánh án TANDTC trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án khác.
Chánh án Trương Hòa Bình cũng cho hay, trong quá trình xây dựng Dự thảo Hiến pháp năm 2013, cũng có ý kiến đề xuất bổ sung chế định Hội đồng tư pháp quốc gia vào Hiến pháp để thực hiện chức năng quản lý các Tòa án về tổ chức. Đề xuất này đã được đưa ra thảo luận và không được chấp nhận; Ban cán sự Đảng TANDTC cũng đã có Công văn số 02-CV/BCS ngày 4/1/2013 gửi Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương không đồng tình với ý kiến đề xuất nêu trên.
Việc thành lập một mô hình độc lập để thực hiện việc quản lý các Tòa án như ý kiến đề xuất sẽ kéo theo nhu cầu thành lập thêm bộ máy giúp việc, biên chế cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí để cơ quan này hoạt động, trong khi địa vị pháp lý của cơ quan này trong hệ thống chính trị, mối quan hệ của cơ quan này với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị không được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Trên thế giới, nhiều quốc gia quy định Chánh án TANDTC quản lý bộ máy hành chính tư pháp của Tòa án, cũng có một số quốc gia chuyển đổi sau khi Liên Xô tan rã có mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia. Tuy nhiên, mô hình này là không phù hợp với Việt Nam vì sẽ phát sinh thêm một số bộ máy quản lý cồng kềnh bên cạnh Tòa án và không phù hợp với nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ.
Chính vì vậy, TANDTC đã đề nghị không đặt ra vấn đề thành lập “Hội đồng tư pháp quốc” gia để quản lý các TAND về tổ chức.
Thẩm tra Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã đồng ý phương án giao TANDTC quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với HĐND.
Nguyên Bình