Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2015, báo cáo cho biết năm 2014, đối với các vụ án về kinh tế, tham nhũng, các Tòa án đều đảm bảo xét xử nghiêm khắc...
Tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ 18,8%, giảm hơn 8,2% so với năm 2013, chỉ có 01 trong số 129 trường hợp cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng bị sửa án do áp dụng không đúng quy định của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nghe Tòa tuyên án.
Trong năm qua, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước.
Trước đó, báo cáo công tác năm 2014 của VKSNDTC cũng cho biết, trong năm 2014, VKSND các cấp đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 522 vụ/1062 vụ án về tham nhũng. Qua kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 5 vụ án về tham nhũng. Đặc biệt, Cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC phát hiện và đã khởi tố điều tra 14 vụ án về tham nhũng, kinh tế chức vụ trong hoạt động tư pháp.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành kiểm sát năm 2015 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý đặc biệt một số vấn đề đối với ngành kiểm sát trong hoạt động phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng.
Tổng Bí thư đánh giá kiểm sát là khâu quan trọng trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng, tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhận định, dù đã có nhiều cố gắng song tham nhũng vẫn đang là thách thức, là vấn đề bức xúc của xã hội, công tác đấu tranh phòng chống vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, VKSNDTC phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan có liên quan để chủ động nắm thông tin về tội phạm tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có tổ chức; Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, mở rộng điều tra hành vi và các đối tượng tham nhũng. Cán bộ, kiểm sát viên làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng.
Đối với hoạt động phòng chống tội phạm, Tổng Bí thư đề nghị ngành kiểm sát phải thể hiện rõ được trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước dân. “Nhiệm vụ của ngành kiểm sát không chỉ phát hiện cái sai, cái vi phạm mà quan trọng hơn là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó”.
Thông qua mỗi vụ án tham nhũng, cần phải làm rõ trách nhiệm trong quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa khắc phục hữu hiệu.
Xin dẫn lại phát biểu với cử tri TP. Hồ Chí Minh mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh những nỗ lực của toàn Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng toàn dân trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên cộng tất cả lại đến nay tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, làm lòng dân chưa yên. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng phức tạp vì tham nhũng ngày càng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà dây mơ rễ má, hình thành những nhóm, những việc xâu chuỗi bao che, bảo vệ cho nhau nên mới khó. Nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân quyết tâm, kiên trì bền bỉ làm ngày càng quyết liệt hơn chắc chắn sẽ đỡ. Tham nhũng làm kinh tế thiệt hại, làm mất lòng dân, Chủ tịch nước kêu gọi cử tri, nhân dân đồng hành, tố giác tội phạm tham nhũng, khuyến khích cử tri phát hiện và tố giác vụ việc cụ thể, cung cấp thông tin có cơ sở, tăng cường giám sát của các cơ quan dân cử, nhất là ở địa phương.