Ngày 6-1, Công lý đã có bài “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh” phản ánh tình trạng một nhóm người với “mác” làm công việc từ thiện đã dùng các thiết bị không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép để thử đồ uống đóng chai mà mọi người đang sử dụng để đưa ra kết quả sai lệch về chất lượng của sản phẩm…
Không được cơ quan chức năng thừa nhận
Như chúng tôi đã thông tin, “nạn nhân” đầu tiên chính thức lên tiếng về vấn đề này là Công ty Cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát AROMA - chủ nhãn hiệu rượu Vokda Men. Đơn vị này đã có Văn bản số 15112011/CV-AROMA gửi Cục An toàn vệ sinh về việc Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (có sản phẩm rượu Vodka Avinaa) đã sử dụng thiết bị điện phân hai cực tiến hành điện phân sản phẩm rượu Vodka Men của Công ty AROMA cho kết quả không chính xác. Cụ thể, tại các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ rượu Men, nhân viên của Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam đã sử dụng thiết bị trên để thử và công bố rượu Vodka Men chuyển sang màu đen là do có chứa kim loại nặng, độc hại.
Về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh nêu trên, ngày 28-11-2011, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có Công văn số 2151/ATTP-TTrC khẳng định: “Việc Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam sử dụng thiết bị điện phân để kiểm tra chất lượng sản phẩm rượu là không có căn cứ”. Đồng thời Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng chuyển đơn tố cáo của Công ty AROMA tới Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) để giải quyết theo đúng thẩm quyền. Ngày 22-12-2011 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh này.
Thí nghiệm bằng phương pháp điện phân với rượu
Sau khi Báo đăng, nhiều đơn vị đã liên hệ với Tòa soạn thông tin cho chúng tôi biết nhiều Công ty cũng “tình cờ” trở thành nạn nhân như thế. PV đã vào cuộc điều tra và được biết, chị Phạm Thị Thu Hà, tình nguyện viên của Công ty CP sản xuất thương mại TQH Thăng Long đã đến Công ty ACE đề nghị được thử nguồn nước mà Công ty này đang sử dụng. Sau khi có thao tác điện phân qua nước khoáng Lavie, chị Hà kết luận: Nước khoáng thiên nhiên Lavie không đảm bảo chất lượng vì bị kết tủa… Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, Công ty TQH Thăng Long và chị Hà thừa nhận hành vi của mình là không đúng. Công ty này cũng cam đoan sẽ không tái phạm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm Việt Nam và dung dịch hoạt hóa điện hóa cho biết: “Máy thử nước điện phân và bút thử TDS (tổng lượng chất rắn hòa tan) chưa đủ căn cứ để kết luận. Thiết bị thử của chị Hà chưa được kiểm định, tự chị Hà mang tới. Với tư cách là nhà khoa học, tôi khẳng định đây là trò lừa đảo”.
Tương tự như vậy, tại dãy C3, Khu tập thể Cục Thông tin liên lạc, cũng có một số tình nguyện viên đề nghị sử dụng bộ điện phân thử nguồn nước và đưa ra kết luận nước có dư lượng sắt, mangan cao hơn nhiều lần mức cho phép. Khi các phương tiện thông tin đưa tin nước ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính không sạch, ngay lập tức rất nhiều nhóm người đưa máy, dụng cụ đến các nhà dân ở khu vực này để thử nước và giới thiệu máy để bán.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trước những thông tin gây hoang mang cho người tiêu dùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có ý kiến về phương pháp kiểm tra chất lượng nước và rượu của các tình nguyện viên như sau: “Chỉ có các phương pháp thử và kết luận về ATVSTP của các phòng xét nghiệm được công nhận hoặc có thẩm quyền do Bộ Y tế chỉ định hay trưng cầu ý kiến mới có giá trị về mặt pháp lý. Các thiết bị xét nghiệm nhanh về ATVSTP khi lưu hành phải được Bộ Y tế cấp giấy phép”. Về tính năng kỹ thuật, tính hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ của các dụng cụ, trang thiết bị để thử nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm nước, Cục cũng đề nghị các cơ quan điều tra, thanh tra có thẩm quyền xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, trên thực tế, phương pháp điện phân để thử các loại nước uống, rượu là không có cơ sở khoa học. Để minh chứng về phương pháp thử này, chúng tôi đã chứng kiến một thí nghiệm bằng phương pháp điện phân với một cốc rượu Vodka Nga (đã được khẳng định uy tín) và một cốc rượu Vodka nội do các công ty Việt Nam sản xuất. Sau khi cắm điện vào hai cực của thiết bị điện phân, màu của Vodka Nga chuyển sang da cam, màu của rượu Vodka nội cũng chuyển sang màu da cam, nhưng chậm hơn. Nhưng chỉ thêm một hạt muối ăn nhỏ (được coi là chất dẫn điện) vào hai cốc, ngay lập tức cả hai cốc đều trở thành nâu, rồi sang màu đen. Như vậy, bản chất của sự chuyển màu từ cam sang đen của cốc rượu là do cực sắt của dụng cụ điện phân gây nên. Như vậy, chất gây ra màu (da cam, nâu, đen, v.v.) trong cốc nước và rượu sau khi điện phân không phải là kim loại nặng hiện hữu trong nước hay rượu, mà là các hydroxit sắt, ô-xit sắt và hợp chất khác sinh ra từ các điện cực sử dụng.
Theo quy định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì về mặt pháp lý, chỉ có các cơ quan chuyên môn được uỷ quyền của Nhà nước mới được phép làm các dịch vụ đo lường, xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm. Không có khái niệm xét nghiệm chung chung mà chỉ có xét nghiệm từng chỉ tiêu cụ thể, như xét nghiệm chì, sắt, mangan… Với riêng các sản phẩm rượu, các chỉ tiêu kim loại nặng phải được xác định theo phương pháp cụ thể do Nhà nước quy định (theo TCVN 7043:2009, Rượu trắng - Chỉ tiêu kỹ thuật). Đây là các phương pháp xét nghiệm khoa học, có độ chính xác cao, được Việt Nam và thế giới công nhận.
Tống Toàn