Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 28/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Không quy hoạch tùy tiện
Góp ý về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 16 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Trúc Anh- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan thẩm định phải độc lập "song trên thực tế việc này rất khó thực thi".
Vì vậy, đại biểu khuyến nghị, do đặc thù của quy hoạch kiến trúc nên không nhất thiết phải quy định cơ quan thẩm định và tổ chức lập quy hoạch phải độc lập.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền trong xây dựng và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Thái Thị An Chung- Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ "khi địa phương thực hiện điều chỉnh cục bộ có cần thiết phải xin ý kiến Bộ Xây dựng hay không?"
"Ngoài ra, biện pháp nào được quy định để bảo đảm quy hoạch đã được địa phương phê duyệt không bị điều chỉnh tùy tiện, phá vỡ quy hoạch dẫn đến chất lượng môi trường sống, làm việc tại đô thị và nông thôn bị suy giảm? "- đại biểu Chung nêu băn khoăn.
Cần rà soát cho phù hợp Luật Quy hoạch năm 2017
Theo đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, tại điểm b, điểm c khoản 1, cần làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn "là quy hoạch ngành quốc gia với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia".
Để tránh chồng chéo giữa các quy hoạch, đại biểu đề nghị xem xét mối quan hệ trong việc xác lập các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, nhất là quy hoạch nông thôn đối với các huyện, xã, quy hoạch đô thị với các thị xã, thị trấn, đô thị mới.
Về quy hoạch chung cấp huyện được quy định tại Điều 26, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, quy hoạch chung huyện, quy hoạch chung xã không thống nhất với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cũng như thời kỳ theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, dẫn tới quy hoạch chung xã, quy hoạch chung huyện sẽ khó khăn, nhất là việc phân bổ, sử dụng đất đai trong thời kỳ quy hoạch.
Liên quan đến Điều 37 quy định đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét, rà soát lại các quy định để tránh hình thức, khó khăn cho các cơ quan quản lý lập quy hoạch.
Do đó, đại biểu đề xuất không nên quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ lập quy hoạch. Nhiệm vụ lập quy hoạch trước khi phê duyệt cần lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan là phù hợp.