Việc Chính phủ đồng ý mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ 15/3 đang mở ra những tia hy vọng mới cho ngành du lịch sau hai năm gần như tê liệt vì đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, nhiều ý kiến kỳ vọng đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch Việt Nam bứt phá.
"Thời cơ vàng" của du lịch Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11/2021 - 8/2/2022), Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách quốc tế.
Việc thí điểm đón khách quốc tế được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra sai sót, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách với các loại hình hấp dẫn như: Du lịch thể thao, giải trí sôi động, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, sinh thái tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.
Không chỉ thúc đẩy thị trường du lịch khởi sắc, việc thí điểm đón khách quốc tế cũng được xem là đã giúp các địa phương có sự chuẩn bị nguồn lực, tích lũy kinh nghiệm để sẵn sàng cho việc mở rộng quy mô đón khách, sớm phục hồi du lịch.
Đặc biệt, việc Chính phủ chính thức dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế từ sau ngày 15/2 cũng như quyết định mở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3 là thời cơ cho ngành du lịch sớm lấy lại đà phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.
Bối cảnh hiện tại đang mang đến cơ hội cũng như khả năng sớm phục hồi cho thị trường du lịch Việt Nam. Nhiều địa phương có lợi thế trong việc thu hút khách đặc biệt là khách quốc tế như Quảng Ninh, Phú Quốc, Khánh Hòa… hay Bình Định - địa phương thứ 6 đủ điều kiện đón khách quốc tế từ đầu năm 2022 đã chủ động xây dựng chiến lược mở cửa.
Tại tọa đàm chủ đề "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam", ông Phạm Hà, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Lux Group, đơn vị chuyên cung ứng dịch vụ tàu biển, du thuyền cho rằng: “Có trở thành 'thời cơ vàng' hay không sẽ tùy thuộc vào cam kết của Chính phủ, chính quyền địa phương, sự kết nối, tập trung vào từng thị trường cụ thể,” ông Hà bày tỏ.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, ông Đinh Ngọc Đức chia sẻ: “Tôi sang dự hội thảo du lịch Dubai Expo, họ rất quan tâm tới những sản phẩm du lịch của chúng ta. Điều quan trọng chúng ta cần làm là quảng bá, đẩy mạnh truyền thông hơn nữa”.
Theo ông Đức, thời gian tới đơn vị này xác định vẫn tập trung quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường “truyền thống” như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu..., đặc biệt các nước thừa nhận hộ chiếu vaccine.
Sẵn sàng nguồn lực
Để không bỏ lỡ "thời cơ vàng" của ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định, quy trình, tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc để thực hiện lộ trình mở cửa. Mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm nay là đón được từ 5 - 6 triệu khách quốc tế quay trở lại. Để đạt được mục tiêu này, toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đang kết nối lại hệ thống, từng bước chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.
Bên cạnh đó, việc phục hồi đồng thời thị trường khách quốc tế và du lịch cho người Việt Nam ra nước ngoài góp phần thúc đẩy trao đổi khách hai chiều. Khách Âu - Mỹ thường lên kế hoạch dài hạn nên phải cuối năm mới có khách. Còn dòng khách thị trường gần trong khu vực hoặc Đông Bắc Á có thể khởi động trong 1 - 2 tháng tới.
Đề xuất giải pháp mở cửa du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh về chất lượng sản phẩm cũng như nguồn nhân lực là rất quan trọng.
Tuy nhiên, sau hai năm chống dịch, cơ sở vật chất bị xuống cấp, nhiều trung tâm bỏ hoang, gây lãng phí, cần nâng cấp lại. Ngoài ra, lực lượng lao động ngành du lịch bị phân tán, chuyển ngành vì giãn cách xã hội. Trong khi đó, nhu cầu du khách trở lại lớn nhưng đang thiếu nhân lực.
Chẳng hạn, Flamingo Redtours sẽ đón 5 đoàn khách Anh vào dịp cuối năm nay. 30% nhân sự du lịch của công ty đã nghỉ việc vì dịch, 70% còn lại đang vận hành hệ thống, thực hiện kết nối lại với toàn bộ thị trường khách quen. Họ hy vọng từ giờ đến cuối năm có thể đón được 5.000 - 7.000 khách ở thị trường khách cao cấp.
"Đây là phép thử cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi", ông Khánh nói.
Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Thời điểm du lịch từng bước mở cửa trùng với thời điểm học sinh nhiều cấp học trở lại trường. Nếu không kiểm soát tốt, số ca bệnh, số ca nặng và tử vong sẽ tăng cao. Do đó, để tận dụng thời cơ, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi kinh tế du lịch, từ điểm đến, cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành... cần thực hiện tốt công tác phòng dịch theo đúng quy định.
Các ngành, các đơn vị liên quan phải quán triệt tinh thần “nới lỏng nhưng không thả lỏng”. Đặc biệt chú ý đến các biện pháp ngăn ngừa, để hạn chế tình trạng “ngoài lây vào, trong lây ra” khi đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch cần bảo đảm chất lượng tốt, để du khách cảm nhận được sự an toàn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chỉ như vậy, chúng ta mới là điểm đến an toàn, tạo cơ sở vững chắc để khôi phục kinh tế du lịch.