Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ môi trường với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Tiếp ông Erik Solheim, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment) sáng ngày 7/8 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ môi trường với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Erik Solheim - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc trong những năm vừa qua đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam, nhất là về hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm; tư vấn xây dựng chính sách, pháp luật về môi trường; cung cấp học bổng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam; hỗ trợ nhiều chương trình, dự án về môi trường...
Theo Phó Thủ tướng, bảo vệ môi trường đang là vấn đề nóng toàn cầu, là quá trình lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi hợp tác quốc tế và quyết tâm của tất cả các quốc gia, các chính phủ. Trong đó, những nước phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ những nước đang phát triển trong việc tư vấn kinh nghiệm quy hoạch phát triển, hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ kỹ thuật...
“Chính phủ Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ môi trường với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để bảo vệ môi trường, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng thể chế pháp luật có vai trò quan trọng; cùng với đó là phát triển năng lượng tái tạo, khoa học, công nghệ phù hợp điều kiện của Việt Nam, nâng cao nguồn nhân lực, chuyên gia về lĩnh vực môi trường; nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp.
Hiện Việt Nam đã đặt ra hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường trong đó khoa học công nghệ đóng vai trò hàng đầu, khu vực tư nhân quan tâm và tiên phong trong bảo đảm các nguồn thải, hạn chế khí nhà kính, bảo đảm xử lý chất thải tại chỗ...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường; hỗ trợ thực hiện các chương trình hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ rừng; hỗ trợ Việt Nam xây dựng các báo cáo quốc gia về thực hiện các công ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên; cử các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường và các vấn đề liên quan; hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn, ông Erik Solheim, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết mục tiêu chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực môi trường. Ông Erik Solheim chúc mừng những thành công của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục trong thời gian qua, đồng thời mong muốn Việt Nam sẽ tiếp nối những bài học thành công đó trong lĩnh vực liên quan đến môi trường.
Chia sẻ với quan điểm của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về vấn đề bảo vệ môi trường đòi hỏi quá trình hợp tác lâu dài, ông Erik Solheim nhấn mạnh Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc sẽ đồng hành cùng các quốc gia, trong đó có Việt Nam để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường.
Trong chuyến thăm lần này, Đoàn của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã đến thăm Vườn quốc gia Cúc Phương, qua đó nhận thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch, thấy được nhiều thành quả của nhà chức trách Việt Nam trong việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm như rùa, tê tê...
Về vấn đề tài chính xanh gắn với phát triển bền vững đang được Liên Hợp Quốc triển khai, ông Erik Solheim cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển nên có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn; đồng thời Chính phủ Việt Nam có thể phát huy tiềm năng thu hút nhiều các nguồn lực khác nhau như nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa..