Người dân và dư luận đang đòi hỏi phải công khai ngay hoạt động thu phí BOT nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn viện dẫn các lý do để trì hoãn.
Trong khi đó, một số trạm thu phí đặt sai vị trí luôn đối mặt nguy cơ bị người dân phản đối. Thực tế này, theo các chuyên gia là do cách làm thiếu minh bạch từ khâu cấp phép nên bây giờ khó công khai.
Thời gian qua, số phương tiện qua các trạm BOT giao thông đang thu phí chỉ có Tổng Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gửi tới báo chí. Trong khi với các dự án BOT khác, chủ đầu tư hầu như không chịu công bố, chỉ khi dự án thu hồi vốn xong, phải dừng thu phí đột ngột thì Tổng cục Đường bộ mới phát đi thông báo. Chẳng hạn khi trạm thu phí Dốc Xây (Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh) phải dừng thu, dư luận mới được biết đã thu hồi vốn xong. Vì vậy, việc yêu cầu công khai việc thu phí ngày càng cấp bách vì người dân muốn biết doanh thu, lưu lượng xe qua các trạm BOT cũng không biết tìm ở đâu.
Tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) mới đây người dân đứng ra tổ chức đếm xe qua trạm. Tuy nhiên kết quả của 1 tuần vất vả đã trở thành công cốc khi các tài liêu này bị mất cắp. Còn nhớ việc Tổng cục Đường bộ kiểm tra trạm thu phí Dầu Giây cho biết kết quả không có gì “bất thường” khiến người dân bán tín bán nghi. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện, định kỳ tháng, quý, năm các nhà đầu tư BOT, các trạm thu phí đều có báo cáo số lượng phương tiện, số tiền thu được lên Tổng cục và Bộ GTVT để giám sát. Thế nhưng lại không công khai trên cổng thông tin của tổng cục này.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Hữu Đức (Chuyên gia tư vấn dự án giao thông) cho rằng, việc minh bạch, giám sát hoạt động thu phí đường bộ các nước thực hiện khác Việt Nam. Theo đó, tại các nước, dự án BOT đường bộ chỉ thực hiện với tuyến đường song song (không làm trên đường độc đạo). Nhà nước ra đề bài 1 dự án làm đường nối từ A tới B, yêu cầu chất lượng, thời gian cho thu phí và đưa ra đấu thầu. Sau đó, các nhà đầu tư tính toán vốn đầu tư, lưu lượng xe, mức phí. Nhà nước không quản lý mức phí, lưu lượng xe, chỉ giám sát chất lượng đường và tới hết số năm thu phí theo quy định sẽ lấy lại đường, xe đi nhiều hay ít, lời lãi nhà đầu tư tự chịu, nên việc công khai rất đơn giản, ai đi phải trả tiền, không thì đi đường khác.
Còn ở Việt Nam, theo ông Đức, vừa qua, Bộ GTVT kêu gọi đầu tư trên các tuyến độc đạo (như QL1A), đường có sẵn, rồi chặn đường thu phí. Bộ GTVT lo hết cho nhà đầu tư, kể cả phương án tài chính, vốn vay, lãi vay, lợi nhuận.
Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, do Bộ GTVT triển khai BOT giao thông trên đường có sẵn, đường độc đạo, sai từ đầu nên người dân phản đối. Trong khi đó, mức phí, thời gian thu phí, người trực tiếp sử dụng đường không hề hay biết, không được bàn thảo, bị “ép” phải trả.
Triển khai thu phí theo hình thức thu thủ công, giám sát mập mờ, càng khiến người dân mất niềm tin, trong khi đó thu phí tự động vẫn ì ạch. Do đó, ông Thủy đồng tình với việc công khai thông tin thu phí, thời gian thu, lưu lượng xe, số tiền thu được tại chính các trạm thu phí.
TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, trước tiên, các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí Chính phủ, phải ban hành quy định về công khai hoạt động thu phí BOT đường bộ, với các chỉ tiêu công khai rõ ràng. Từ đó các nhà đầu tư bắt buộc làm theo. Việc người dân tổ chức đếm xe qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) thể hiện sự tin tưởng của người dân với cơ quan quản lý nhà nước đang giảm sút. Đây là điều đáng ngại nhất, khi niềm tin không còn thì cơ quan nhà nước, ở đây là Bộ GTVT, có nói gì, làm gì dân vẫn không tin.