Luật Du lịch quy định nhân viên thuyết minh dứt khoát phải có bằng đại học. Quy định đó khỏi cần bàn cãi vì quá đúng, có bằng đại học mới đủ trình độ giới thiệu cho du khách biết cái hay, cái đẹp ở các điểm di tích, danh thắng...
Thế nhưng ở Sapa đào đâu ra các thuyết minh viên có bằng đại học bây giờ? Bởi lẽ có bằng đấy nhưng không biết “yes”, biết “no”.
TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai cho rằng Luật Du lịch còn nhiều bất cập. Ảnh: VNE
Ông TS dân tộc học Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai dẫn chứng trong tay ông có 200 thuyết minh viên chủ yếu là người Mông chỉ học hết lớp 7 nhưng nói tiếng Anh rất tốt đang làm việc có hiệu quả ở Sapa. Tôi cũng đã chứng kiến các em thiếu nữ Mông, thậm chí chỉ ở tuổi thiếu niên “bắn” tiếng Anh rào rào khiến du khách thích thú vì hỏi gì cũng được trả lời chính xác. Có em còn biết một ít tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Nga.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác văn hoá, thể thao, du lịch năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015, ông Trần Hữu Sơn đề nghị sửa một số điều trong Luật Du lịch, vì còn nhiều bất cập, nhất là với các tỉnh vùng núi như Lào Cai.
Ông Sơn dẫn chứng về quy định thuyết minh viên phải có bằng đại học và chỉ được hoạt động ở địa bàn dân cư của mình. Trong khi đó, 200 nhân viên du lịch của Lào Cai không chỉ thuyết minh sinh động về văn hoá ở bản làng mình mà của cả vùng lân cận, nơi đồng bào dân tộc mình sinh sống. TS Sơn khẳng định, không ai nói về người Mông tốt hơn người Mông, dù họ chưa có bằng đại học và có thể nói tiếng Kinh chưa sõi, nhưng tiếng Anh lại rất giỏi nói dù không mấy em biết viết. Các tài liệu du lịch các em có thể tiếp thu bằng tiếng Anh bỏ qua tiếng Việt để nói lại với du khách bằng thứ tiếng Anh phát âm không thua sinh viên ngoại ngữ có bằng đại học. Công ty du lịch Lào Cai rất tín nhiệm các thuyết minh viên này.
Nghe nói ở Tây Nguyên cũng có hiện tượng tương tự khi các thuyết minh viên người M’nông, Ê đê, Ba Na chưa có bằng đại học.
Nhận thấy những bất cập trên của ngành du lịch, Giám đốc Sở Văn hoá Lào Cai đã bật đèn xanh lách luật để có lực lượng thuyết minh viên. Tỉnh Lào Cai cho phép các thuyết minh viên trình độ “trung học cơ sở” hoạt động khắp tỉnh, không phụ thuộc vào quy định trình độ văn hoá. Ông Sơn khẳng định sẽ là người chịu trách nhiệm nếu ai ý kiến về quyết định này. Nhưng có lẽ chẳng ai ý kiến gì đâu vì mình làm có tâm, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển.
Ở miền núi mà cứng nhắc học vấn thì lấy đâu ra cho đủ cô đỡ - hộ sinh viên thôn bản, giáo viên mẫu giáo, cán bộ cơ sở hoạt động, các tỉnh miền núi làm sao dám Tiến sĩ hóa đội ngũ cán bộ như Hà Nội đã từng đề ra mục tiêu vĩ đại này.
Nên nhớ, năm 2014 Sapa đã thu hút 1,5 triệu du khách, trong đó một nửa là người nước ngoài. Nếu cứ chờ thuyết minh viên có bằng đại học thì làm sao đón được 79-80 vạn du khách nước ngoài?
Hẳn vì vậy mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với các vướng mắc của địa phương trong công tác du lịch, song cho rằng thay đổi luật cần thời gian. Trước mắt ngành du lịch hãy xử lý tình trạng “chặt chém” khách, bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường khu vực tham quan cho du khách…