Tin địa phương

Khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình

Minh Phương 21/12/2023 - 13:07

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân, nên nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình cơ bản về đích nông thôn mới (NTM) theo đúng lộ trình đề ra.

Về Quảng Bình những ngày này, sắc diện nông thôn tươi mới hiện hữu trong mỗi làng quê, mỗi ngôi nhà, trên mỗi gương mặt người dân. Ở các vùng nông thôn, nhà ở được ngói hóa, kiên cố hóa; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa đến tận ngõ nhà dân; hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nhà văn hóa thôn khang trang, hiện đại.

z4856066848959_39e9a3ec527330556b427e5066e48a23.jpg
Hình ảnh “phố ở trong làng” đang dần hiện hữu.

Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2023 là 12.855 hộ tương ứng với 5%, đến cuối năm 2023 giảm 0,95% còn 4,05%, tương ứng 10.473 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,24 triệu đồng/năm, tăng 13,92 triệu đồng so với năm 2020. Số hộ giàu, khá giả tăng nhanh. Nhiều nơi nhà ngói mới, nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát; đêm đêm bừng ánh điện toát lên vẻ hiện đại của “phố ở trong làng”.

Đến hết năm 2023, tỉnh Quảng Bình dự kiến có thêm 05 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh là 93 xã, chiếm 72,7% tổng số xã; có 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 5,4% tổng số xã đạt chuẩn NTM (chiếm 3,9% tổng số xã toàn tỉnh); 50 khu dân cư NTM kiểu mẫu (tăng 14 khu dân cư), 92 vườn mẫu (tăng 48 vườn mẫu) và 03 thôn, bản đạt chuẩn NTM tại các xã đặc biệt khó khăn.

z4995326908543_43fb7342e2f96861fdc3104e3b341c83.jpg
Mô hình vườn mẫu trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bình.

Hiện các địa phương đang tiếp tục thẩm tra, thẩm định xét công nhận thêm 11 vườn, 12 khu dân cư. Phấn đấu trong năm 2023 đạt 16,7 tiêu chí, tăng 0,9 tiêu chí/xã so với năm 2022.

Điều đáng ghi nhận từ phong trào thi đua xây dựng NTM ở Quảng Bình là đã đưa đời sống kinh tế nông thôn thực sự chuyển đổi theo hướng hiện đại. Bao trùm là công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…

z4995336651392_347eac11471e690a6a82f63c0fca7482.jpg
Một trong những Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở Quảng Bình.

Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng bền vững, kinh tế xanh gắn với du lịch sinh thái. Các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn Quảng Bình đạt chuẩn OCOP, tham gia vào chuỗi giá trị, đã dần khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường trong tỉnh và cả nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Bình cho biết: “Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ một số bất cập cần tháo gỡ trong thời gian tới. Cụ thể các tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều sự thay đổi về nội dung đánh giá và tỷ lệ đạt chuẩn; các chỉ tiêu, tiêu chí NTM được nâng cao hơn giai đoạn trước nên hầu hết các xã đều chưa đáp ứng kịp. Một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao khó thực hiện, không phù hợp với thực tiễn của địa phương như: Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung….. Vì thế, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh năm 2023 khó về đích theo kế hoạch, nếu Trung ương không có sự điều chỉnh các tiêu chí này”, ông Tuấn cho hay.

z4995336658533_3405faef59b80e0de9592fc4ee88fa6f.jpg
Nhà văn hóa được xây dựng khang trang sạch đẹp.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế so với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, nhất là nguồn vốn từ quỹ đất và đóng góp của Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Công tác lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia chưa thực sự đồng bộ, thống nhất. Một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, ông Tuấn nhìn nhận.

Về mục tiêu, giải pháp thực hiện xây dựng NTM trong năm 2024, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, người dân nhằm khơi dậy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, sáng tạo, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về xây dựng huyện NTM...

z4995336642610_2f41d4f487a85bf81bc97818eb2a2207.jpg
Nét thanh bình ở vùng quê đáng sống.

Đồng thời tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng thôn, bản NTM, Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới, tạo dựng hình ảnh của những miền quê đáng sống, gắn với phát triển du lịch nông thôn, hoàn thiện hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông nghiệp nông thôn, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao thu nhập, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.

z4995348520757_2dae097ed26a889c0e9595957d20197e.jpg
Sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng bền vững.

Cùng với đó, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa nông thôn lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu các giá trị văn hóa mới, để mỗi làng quê ở Quảng Bình trở thành nơi đáng sống, mà thành quả là chính người dân được thụ hưởng theo cách nghĩ và làm của chính mình, ông Tuấn kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình