Theo Luật BHXH năm 2014, từ ngày 01/01/2016, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm được giao cho tổ chức công đoàn.
Tình trạng nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm xã hội của các đơn vị sử dụng lao động đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và quyền lợi người lao động. Việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội được đánh giá là biện pháp mạnh, một công cụ hữu hiệu để thu hồi nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng đại diện công nhân lao động tranh luận tại phiên sơ thẩm, xét xử vụ án 196 lao động tranh chấp tiền lương và bảo hiểm xã hội đối với Công ty TNHH MTV TBO Vina.
Mới đây nhất, tại Đà Nẵng, TAND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã mở phiên sơ thẩm, xét xử vụ án 196 lao động tranh chấp tiền lương và bảo hiểm xã hội đối với Công ty TNHH MTV TBO Vina. Đây là doanh nghiệp vốn FDI (Hàn Quốc), bắt đầu sản xuất hàng may mặc từ tháng 8-2014 tại lô N, đường số 6, khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Trước đó, 23/7/2018, hàng trăm công nhân thuộc Công ty TNHH MTV TBO VINA tập trung trước cổng công ty đòi lương và bảo hiểm xã hội, nhưng lãnh đạo công ty vắng mặt. Theo phản ánh của công nhân, công ty nợ 55% tiền lương tháng 6 và 100% tiền lương tháng 7/2018.
Từ tháng 9/2016 đến nay công ty không đóng tiền bảo hiểm xã hội cho gần 500 công nhân, trong khi đó hàng tháng công ty vẫn trừ tiền bảo hiểm của công nhân (10,5% vào tiền lương). Đến nay, ông Kim Sang Bong (Hàn Quốc), người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV TBO VINA đã không có mặt tại nơi làm việc, trong khi công ty đang còn nợ lương và bảo hiểm xã hội với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng đối với gần 500 công nhân lao động của công ty.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp các cơ quan chức năng gặp gỡ, động viên và tư vấn, hỗ trợ người lao động tiến hành bổ sung, hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện doanh nghiệp.
Tại phiên tòa ngày 15/11, HĐXX TAND quận Liên Chiểu đã chấp thuận toàn bộ đơn khởi kiện của người lao động, buộc Công ty TNHH MTV TBO Vina phải trả tiền lương còn nợ của tháng 6 và tháng 7/2018 cho công nhân lao động; buộc Công ty Công ty phải chuyển trả số nợ Bảo hiểm xã hội vào Quỹ Bảo hiểm xã hội thành phố, đồng thời công nhân lao động có quyền liên hệ nhận lại sổ Bảo hiểm xã hội và các quyền lợi liên quan.
Vụ việc của công ty TNHH MTV TBO Vina chỉ là một trong rất nhiều vụ việc chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH cho người lao động. Như tại Hà Nội, theo báo cáo của BHXH thành phố, tính đến hết tháng 10/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn TP là 1.907,3 tỷ đồng, chiếm 4,4% kế hoạch thu. Trong đó, có 500 doanh nghiệp điển hình nợ BHXH lớn từ 6 đến 24 tháng đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của 13.346 lao động với số tiền hơn 274 tỷ đồng.
Trên cả nước, nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của trên 55.000 đơn vị sử dụng lao động là hơn 6.000 tỉ đồng, tác động đến hàng trăm nghìn người lao động.
Để thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Tập trung thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị nợ, đơn vị chưa tham gia BHXH, đơn vị tham gia BHXH chưa đủ số lao động và các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngành BHXH hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra đối với các đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT.
Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được quy định, hướng dẫn tại Điều 216 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau: 1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng. |