Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người thường lấy lá chân vịt, lá tía tô… tắm cho con khi bị thủy đậu. Tuy nhiên, nhược điểm của các lá này là không sạch, không tiêu diệt được vi khuẩn trên da trẻ.
Không kiêng nước, kiêng gió
Do con trai thường xuyên đau ốm nên chị H.T.N (34 tuổi, Hà Tĩnh) luôn trong trạng thái "ngồi trên đống lửa". Vừa rồi, khi vào mùa dịch bệnh thủy đậu, do sức đề kháng kém nên con trai chị bị lây bệnh từ bạn học và bệnh tình chuyển biến rất nhanh.
Nói về cách chữa trị cho con, chị H.T.N chia sẻ: “Tôi nghe các mẹ bảo nhau rằng bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng là vô sinh nên phải kiêng nước, kiêng gió cho cháu. Thậm chí, phải đóng cửa nhà và bắt con ngồi trên giường một chỗ, trùm chăn lại khi bị bệnh thủy đậu. Kinh nghiệm dân gian truyền từ đời này qua đời khác, người ta vẫn chữa như vậy nên mình cũng không dám làm khác đi vì sợ con bị biến chứng”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai
Còn trường hợp chị N.T.H (27 tuổi, Thanh Hóa), khi con bị thủy đậu lại đôn đáo đi tìm lá tre, lá kinh giới, lá chân vịt… về nấu nước cho con tắm. Cũng như chị N., chị H. dặn con không được ra khỏi nhà, không đụng tới nước và chỉ được tắm bằng nước lá mẹ đun. Có điều, con trẻ vốn nghịch ngợm nên không chịu được ngứa, khi không có mẹ các bé ra sức gãi ngứa. Hậu quả tình trạng bệnh của con nặng hơn và bác sĩ cảnh báo có nguy cơ biến chứng nếu không nhập viện kịp thời.
Những bài thuốc lá tắm, xông hơi cho trẻ khi bị bệnh thủy đậu dân gian “truyền miệng” được nhiều bà mẹ tin tưởng và làm theo. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Nhiều người cứ nghĩ kiêng nước kiêng gió là bệnh tự khỏi nhưng thực tế không phải vậy. Khi kiêng nước thì trẻ không được tắm dẫn đến việc người bị ngứa ngáy và lấy tay gãi. Khi trẻ gãi sẽ gây xây xước da và các con vi trùng ở trên da có thể xâm nhập vào máu, cũng có trường hợp tạo mưng mủ ở ngoài da”.
Tuyệt đối không tắm nước lá cho trẻ
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi thời tiết mùa Xuân bắt đầu ấm dần, gió nồm về, trẻ dễ mắc bệnh về hô hấp trong đó có thủy đậu vì thời tiết ban ngày nóng, ban đêm lạnh.
Bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ từ 3-5 tuổi, tuy nhiên có những bé mới 1-2 tuổi cũng mắc bệnh. Gần đây, xuất hiện tình trạng bệnh thủy đậu học đường, thậm chí đến bố mẹ các em cũng bị lây bệnh thủy đậu.
Lý giải việc người lớn cũng mắc bệnh thủy đậu, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay nhiều phụ huynh sức đề kháng kém, có thể trước đây không tiêm phòng đầy đủ cũng có thể bị lây bệnh thủy đầu từ con cái. Bởi vậy, việc tiêm phòng nhằm phòng bệnh thủy đậu rất quan trọng với trẻ.
Bệnh thủy đậu có thể gặp ở những trẻ 1-2 tuổi - Ảnh: Internet
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khi con bị thủy đậu cha mẹ không nên kiêng cự trong ăn uống, sinh hoạt trẻ. Lúc này, sức khỏe trẻ yếu, sức đề kháng giảm sút nên nếu trẻ ăn, uống được nhiều lại càng tốt. Đối với những trẻ đang mắc các bệnh mãn tính đang uống thuốc điều trị như bệnh thận, bệnh ung thư thì khi mắc bệnh thủy đậu sẽ nặng hơn các trường hợp khác.
Theo kinh nghiệm dân gian thường cho trẻ tắm lá chân vịt, lá chè, kinh giới… khi bị thủy đậu. Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khi tắm cho trẻ, mắt thường ta nhìn thấy da trẻ sạch nhưng thực tế không phải như vậy. Sạch theo quan điểm y học là phải tiêu diệt được các vi khuẩn ở trên da trẻ. Trong trường hợp này, các lá thuốc không tiêu diệt được các vi khuẩn chứa mầm mống bệnh. Đặc biệt, các loại lá kể trên có nguy cơ bị phun thuốc trừ sâu, nhiễm chất hóa học… mà chính người bán cũng không thể kiểm soát nguồn gốc.
Ngoài ra, nhiều người quan niệm khi tắm cho trẻ là phải kỳ cọ, cốt làm sao được nhiều ghét thì càng tốt. Trong trường hợp bé mắc bệnh thủy đậu, các phụ huynh cần lưu ý là tắm cho trẻ bằng sữa tắm, xà phòng. Tuy nhiên, phụ huynh nên cho sữa tắm vào tay mình, xoa nhẹ để nó sạch mồ hôi, bụi bẩn trên da. Khi cha mẹ kì cọ cho con nhiều khiến trẻ bị trầy xước và tăng nguy cơ mắc bệnh.