Khi thời hạn bỏ sổ hộ khẩu giấy đang đến gần

Trung Nguyễn| 26/12/2022 19:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Qua nghiên cứu, khảo sát và lắng nghe ý kiến cử tri, ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) lo ngại khi tiến độ chia sẻ, kết nối, ứng dụng thông tin giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm.

khi-thoi-han-bo-ho-khau-giay-dang-den-gan.jpg
Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại Phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật về “Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, trọng tâm là trong lĩnh vực hộ tịch và đất đai”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, với Nghị định số 104 vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 1/1/2023, người dân sẽ không phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật Cư trú, Chính phủ, bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan có trách nhiệm “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính”. Thực hiện quy định của Luật Cư trú, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên giải trình nhận thấy, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khảo sát và lắng nghe ý kiến cử tri, ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) lo ngại khi tiến độ chia sẻ, kết nối, ứng dụng thông tin giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm.

Giải trình vấn đề được ĐBQH đưa ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử dùng chung và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bước đầu được Bộ Tư pháp, các cơ quan có liên quan quan tâm thực hiện. Bộ Tư pháp đã chủ động xây dựng và hướng dẫn UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tái cấu trúc quy trình thực hiện trực tuyến 3 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, Bộ Công an đã chủ động, có trách nhiệm đề nghị Chính phủ xây dựng Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phân công nhiệm vụ cho các cơ quan trung ương, địa phương trong lộ trình từ 2022 - 2025, 2026 - 2030. Giai đoạn vừa qua, các tiện ích được xây dựng và đưa vào sử dụng đã phục vụ hiệu quả nhu cầu liên quan của người dân, được người dân bước đầu đồng tình.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba chỉ rõ, công tác sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Cư trú còn “ngổn ngang”. Với số lượng nhiều thông tư đang được nghiên cứu, sửa đổi từ báo cáo của các bộ, ngành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật lo ngại, người dân, doanh nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự cần sử dụng thông tin cư trú như thế nào sau ngày 1/1/2023?

Nhưng, như nhấn mạnh của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, ngày 1/1/2023 là thời điểm chúng ta sẽ thực hiện trọn vẹn Luật Cư trú năm 2020, đã hết giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức thực hiện. Do vậy, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát đầy đủ, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, ban hành thông tư mới theo thủ tục rút gọn, để bảo đảm có hiệu lực thực hiện đồng bộ với thời điểm quy định tại Luật Cư trú có hiệu lực thi hành, tránh tình trạng vẫn còn ghi nhận phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi thời hạn bỏ sổ hộ khẩu giấy đang đến gần