Theo quy định của pháp luật, khi quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong giao dịch vay nợ bị xâm phạm, đương sự có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên có không ít các chủ nợ lại chọn giải quyết nợ nần bằng dao.
Hậu quả, chẳng những không đòi được tiền, chủ nợ còn mất “cả chì lẫn chài”, phải ngậm đắng nuốt cay sau song sắt nhà tù. Câu chuyện của các bị cáo dưới đây là bài học đáng suy ngẫm cho những ai đang không may vướng nợ nần.
Bị cáo Hoàng Minh Nhật (SN 1982, ngụ thôn Đức Trung, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) và ông Nguyễn Hoàng Hải (SN 1973, ngụ xã Đức Mạnh) có mối quan hệ thân thiết, nhiều năm làm ăn chung. Tuy nhiên, tình bằng hữu nồng ấm bỗng sứt mẻ khi cả hai bỗng vướng chuyện nợ nần.
Đầu năm 2016, khi nghe bạn kể khó, Nhật có cho ông Hải vay 10 triệu đồng, thời hạn cho vay chỉ kéo dài trong 10 ngày. Đến hẹn, ông Hải không gửi lại tiền khiến Nhật buồn bực. Thời gian quá hẹn càng lâu, mối quan hệ bằng hữu càng trở nên phai nhạt, Nhật luôn ấm ức, còn ông Hải lại lẩn tránh.
Theo lời bị cáo Nhật khai nhận tại phiên tòa: Trong một dịp bị cáo ra thị trấn Đắk Mil uống cà phê, Nhật bất ngờ nhìn thấy ông Hải. Sự buồn bực bấy lâu nay có dịp trào lên, Nhật liền lớn tiếng đòi ông Hải phải thanh toán ngay khoản nợ 10 triệu đồng. Ông Hải không đồng ý dẫn đến hai bên xảy ra mâu thuẫn, cãi cự. Thấy Nhật ít tuổi hơn, lại có cử chỉ sỗ sàng nên ông Hải dùng tay bạt tai Nhật.
Bị cáo Thức tại phiên tòa
Chuyện chỉ có vậy nhưng Nhật không kiềm chế được, dùng chân đạp mạnh vào vùng bụng khiến ông Hải ngã nhào. Mọi người liền can ngăn nên Nhật và ông Hải đứng dậy bỏ về. Nhật tưởng hậu quả chỉ dừng lại ở đó, nào ngờ cú đạp khiến ông Hải bị vỡ ruột dẫn đến sốc nhiễm trùng. Khoảng nửa giờ sau, ông Hải được đưa đi viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Nghe tin ông Hải mất, Nhật tá hỏa trốn chạy nhưng sau khi bình tĩnh lại, Nhật đến Công an đầu thú và bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cũng như Hoàng Minh Nhật, bị cáo Nguyễn Công Thức (SN 1985, ngụ ấp 2, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ mâu thuẫn nợ nần. Có điều khác là nhân thân của Thức rất xấu, y từng nhiều lần ra Tòa lĩnh án, bị TAND huyện Long Thành xử phạt 7 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, Thức tiếp tục nhận thêm bản án 1 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 29/8/2012, Thức ra tù nhưng không chịu hoàn lương.
Vào tháng 5/2014, anh Lê Quang Hưng (SN 1978, ngụ tại ấp 3, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vay của Thức 4 triệu đồng, hẹn hai tháng sẽ trả. Tuy nhiên, Hưng lại khất lần rồi tìm cách né tránh Thức. Không đòi được tiền, Thức rất tức giận, mâu thuẫn trở nên căng thẳng.
Chiều 25/2/2015, Thức cùng một số người bạn đi ngang qua nhà bố anh Hưng ở tổ 4, ấp 3, xã Phước Bình. Quan sát thấy anh Hưng đang ở trong nhà, Thức liền đi vào gặp đòi nợ nhưng anh Hưng không trả dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại. Anh Hưng chạy xuống nhà sau lấy 2 con dao nhọn, loại dùng chọc tiết lợn xông lên. Thấy con nợ cầm dao, Thức sợ hãi quay đầu bỏ chạy về nhà.
Sau khi đuổi chủ nợ, anh Hưng không khỏi lo sợ Thức trả thù. Vì thế nên anh Hưng nhờ bạn là anh Hồ Văn đứng ra dàn xếp xin khất nợ giúp. Anh Văn đồng ý và cùng Hưng đi đến nhà ông Hà Nam Sỹ (ngụ tổ 4, ấp 3, xã Phước Bình, huyện Long Thành) tổ chức bữa rượu rồi gọi điện thoại cho Thức đến nhà ông Sỹ để dàn xếp việc trả nợ.
Thức thủ sẵn dao nhọn đến nhà ông Sỹ, anh Hưng thể hiện thiện chí bằng cách đứng dậy chắp hai tay trước để xin lỗi Thức. Tuy nhiên, Thức không tha, y dùng dao đâm một nhát vào ngực anh Hưng rồi bỏ chạy. Cú đâm hiểm ác khiến anh Hưng thiệt mạng ngay sau đó.
Những lời khai thấm thía sự ân hận của hai bị cáo Hoàng Minh Nhật và Nguyễn Công Thức tại phiên tòa minh chứng một điều: Từ chỗ là người được pháp luật bảo vệ trong quan hệ giao dịch dân sự, họ manh động tước bỏ quyền lợi bằng cách sử dụng bạo lực để trút giận, để đòi nợ. Hậu quả thật nặng nề, Thức nộp 30 triệu đồng để khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại. Còn Nhật chấp nhận bồi thường số tiền 300 triệu đồng. Những khoản tiền trên đều cao gấp nhiều lần số tiền các bị cáo cho người bị hại vay mượn. Chẳng những tốn kém vật chất, các bị cáo còn bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc.
Với tính chất và mức độ tội phạm nguy hiểm, chỉ vì chuyện mâu thuẫn nhỏ trong việc vay mượn tiền mà Thức thực hiện hành vi tước đoạt mạng sống của anh Hưng, HĐXX tuyên phạt Thức 20 năm tù về tội “Giết người”. Đối với Nhật, mặc dù bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và tỏ ra ân hận về cách hành xử nông nổi của mình nhưng hậu quả hành vi phạm tội, cần phải xử nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung. HĐXX tuyên phạt Nhật 9 năm tù giam vì tội “Cố ý gây thương tích”.
Bài học những người dự khán rút ra qua hai phiên tòa là khi không may vướng tranh chấp vay nợ, cần bình tĩnh khởi kiện, chờ Tòa án giải quyết theo luật định. Đừng lựa chọn cách hành xử nông nổi, thiếu kiềm chế, bởi hậu quả của hành vi phạm pháp sẽ luôn nặng nề.
(Tên người bị hại đã được thay đổi).