Khi người dân phải sống chung với “tử thần”

congly.com.vn| 13/04/2012 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ 3-11 đến 11-12) năm 2011 đã xảy ra 4 vụ nổ khí gas làm thương vong 12 người, trong đó đau thương nhất là vụ nổ khí gas ở phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội làm chết hai cháu bé và hai vợ chồng bị bỏng nặng trong một gia đình. Mới đây lại xảy ra vụ nổ khí gas ở cửa hàng gas Phú Vinh, Từ Liêm, Hà Nội làm hai mẹ con chủ cửa hàng tử vong. Vì sao việc cháy nổ khí gas l�

Sống chung với “thần chết”


Trong lĩnh vực xăng dầu, điều kiện được mở cây xăng kinh doanh xăng dầu quy định khá ngặt nghèo như khoảng cách giữa các cây xăng, diện tích để mở cây xăng... đặc biệt là cây xăng không được ở trong khu dân cư. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng LPG (quen gọi là gas) không được chặt chẽ như vậy. Trên khắp địa bàn trong cả nước chúng ta bắt gặp nhan nhản các cửa hàng bán gas đã nạp trong bình, xen kẽ lẫn lộn trong khu dân cư. Đa số các cửa hàng được sử dụng hỗn hợp, ở và kinh doanh. Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều các cửa hàng bán gas ở đường ngang, ngõ tắt, chật chội khu dân cư đông đúc, nếu xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa không thể vào dập lửa được, nhưng bất chấp rủi ro rình rập, họ vẫn thản nhiên kinh doanh gas.

Một cơ sở sang chiết lậu gas trái phép bị bắt quả tang


Về vấn đề này, Luật sư Bùi Văn Hưng (Hà Nội) nhận xét: Nghị định số 107, ngày 26-11-2009 của Chính phủ quy định kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (gas) vẫn còn nhiều “lỗ hổng”. Đơn cử như: Điều 26 quy định, điều kiện làm đại lý kinh doanh gas: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký kinh doanh gas; có cửa hàng, trạm nạp gas vào ôtô được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật...

Như vậy là, những yếu tố quan trọng như diện tích mặt bằng, nhà xưởng, địa điểm kinh doanh, không được quy định cụ thể. Nhiều người có thể khai thác “lỗ hổng” này để kinh doanh gas. Đơn cử như họ dùng nhà ở để kinh doanh gas, cửa hàng bán gas ở giữa khu dân cư... Khi xảy ra hỏa hoạn, họ là người chịu thiệt hại đầu tiên, sau đó ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của những hộ liền kề, như trường hợp cháy nổ khí gas ở cửa hàng gas Phú Vinh, Từ Liêm, Hà Nội.


Lựa chọn sản phẩm an toàn


Những công ty sản xuất gas lớn có uy tín như: Petrolimex Gas, Total Gas, Shell Gas, Thăng Long Gas… đều có sản phẩm bán trên thị trường bảo đảm an toàn. Theo các chuyên gia, bình gas chỉ nổ trong phòng thí nghiệm, khi nâng áp suất lên mức 150-200kg/cm2 (cao gấp khoảng 20 lần áp suất thông thường trong bình). Theo quy định, cứ 5 năm lưu hành trên thị trường, bình gas phải được kiểm định một lần, với quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường vẫn còn tới 40% bình gas được sang chiết lậu, nhiều bình gas bị tróc sơn, méo, móp, dây dẫn quá hạn sử dụng, van điều áp bị han gỉ vẫn được sử dụng. Nhiều cơ sở tư nhân đã thu mua các bình gas lớn rồi về san ra các bình nhỏ để bán. Mất đạo đức hơn là họ lấy gas tồn ở các bồn chở gas trôi nổi trên thị trường… phân phối đi khắp nơi. Quy trình đóng bình gas ở các cơ sở bất hợp pháp này thường không đạt điều kiện chuẩn, nên không thể cho ra các bình gas an toàn. Nghiêm trọng hơn, gas nạp vào các bình nhỏ thường là gas hỗn hợp, không đúng loại phù hợp với áp suất của bình nhỏ, sẽ gây ra cháy nổ.


Vì sao lại có tình trạng buôn bán gas hỗn loạn như vậy? Theo nhận xét của các chuyên gia pháp luật, hiện nay công tác quản lý trong lĩnh vực này không chặt chẽ, chế tài xử lý nhẹ, không đủ sức răn đe.


Trước thực trạng trên, ngày 16-11-2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2011/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí hóa lỏng LPG (gas) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2012. Theo đó, mức phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với các hành vi: Đưa sản phẩm gas lần đầu vào lưu thông không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; sang chiết, nạp, bán gas cho khách hàng không tuân thủ quy định về an toàn sử dụng; làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai gas; cho mượn hoặc thuê, giả mạo giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai... Cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt theo các hình thức là cảnh cáo, phạt tiền hoặc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kinh doanh gas, tịch thu phương tiện, tang vật, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện chế biến gas 12 tháng.


Quy định của luật pháp, chế tài xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự là cần thiết nhưng chưa đủ. Để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng mỗi người phải nâng cao nhận thức về chống cháy nổ: Không mua bình gas, bếp gas kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khi phát hiện ra cơ sở sang chiết gas lậu cần báo ngay cơ quan chức năng hoặc đồn Công an gần nhất; thường xuyên kiểm tra bếp, dây dẫn, van an toàn, tạo ra thói quen kiểm tra bếp và các thiết bị trước, sau khi sử dụng.


Tùng Lâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi người dân phải sống chung với “tử thần”