Bên cạnh cá mập cắn cáp, còn nhiều trường hợp "động vật hủy diệt" nữa mà bạn chưa biết đến.
Vẫn biết hiện nay, khoa học công nghệ ngày càng hiện đại và quy mô với những công trình cơ sở vật chất được xây dựng nên kiên cố và hoàn hảo. Tuy nhiên, vẫn luôn có những trường hợp “dở khóc dở cười” xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Đặc biệt, tác giả của tình huống ấy lại chính là những con vật tinh nghịch.
Những con vật đó không bao giờ thèm đếm xỉa đến dòng chữ “Cấm vào” to lù lù ngay phía trước, để lại hậu quả tỷ lệ nghịch với kích cỡ nhỏ bé của chúng. Và dưới đây là vài gương mặt tiêu biểu cho thành tích phá hoại có “một không hai” đến từ thế giới động vật muôn màu mà cũng đầy tai quái này.
Cỗ máy lớn nhất thế giới bị phá hỏng bởi 1 chú chồn đá
Một chú chồn đá bất ngờ “nổi như cồn”, sau khi khiến cho Máy gia tốc hạt lớn – thiết kế hiện đại và tân tiến bậc nhất thế giới lâm vào sự cố không thể vận hành đúng mức trong vài ngày liền. Nguyên nhân là do nguồn điện cung cấp bị gián đoạn. Và thật không may mắn cho chú chồn đã chưa biết lượng sức mình, dẫn đến phải “bỏ mạng” trong “nhiệm vụ” trên.
Cá mập kẻ thù không đội trời chung của “Cáp quang Internet”
Hàng thập kỷ trôi qua chưa hề ghi nhận một trường hợp nào liên quan đến sự dính dáng của cá mập tới những hình thức truyền thông và liên lạc. Thế nhưng, kể từ giữa những năm 1980 khi công nghệ cáp quang xuyên biển được phát triển và phổ biến rộng rãi, các doanh nghiệp phụ trách đã nhận ra một điều lạ lùng là tần suất phải sửa chữa cáp ngày càng nhiều, vượt xa với dự đoán ban đầu.
Năm 2014, Google đã công bố một đoạn phim gây sửng sốt về cảnh một con cá mập tìm cách cắn vào hệ thống cáp của công ty công nghệ nổi tiếng này. Các nhà khoa học cho rằng chính những sóng điện từ phát ra từ dây cáp đã thu hút chúng.
Gấu trúc Mỹ với máy gia tốc phân tử Tevatron
Vào tháng 5 năm 2006, Fermilab – phòng phân tích và thí nghiệm tọa lạc ở ngoại ô Chicago đã đưa ra một thông báo: “Không có cá thể gấu trúc Mỹ nào bị chết hay bắt giữ trong và sau khi sự việc xảy ra. May mắn là tổn thất không quá đáng kể.”
Nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi đọc thông báo này, vì dường như nó không có vẻ gì là được phát ra từ một trụ sở nghiên cứu. Trên thực tế là, đã có một chú gấu trúc Mỹ lọt vào trong một máy gia tốc phân tử Tevatron, dẫn đến việc Tevatron phải tạm ngừng hoạt động để xem xét và sửa chữa trong vài ngày tiếp theo.
Mạng lưới điện quốc gia bị đe dọa bởi sóc
Trong năm nay, đã có ít nhất 30 sự cố về điện được chính thức ghi nhận tại Mỹ, với nguyên nhân chính bắt nguồn từ những chú sóc đáng yêu này.
Theo thống kê của các chuyên gia đến từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia của Mỹ cho biết, nguy cơ hứng chịu tổn thất do sóc gây ra còn cao hơn so với tỷ lệ tương đương đến từ các vụ tấn công công nghệ cao và tin tặc.
Nỗi kinh hoàng trên không
Hiện, cơ quan Hàng không Liên bang đang lưu trữ khá nhiều dữ liệu và ghi chép liên quan đến những vụ đụng độ giữa máy bay và các loài vật. Những vụ va chạm đó, thường xảy ra vào mùa hè và cuối thu, cùng với thời điểm trưởng thành cũng như di cư của nhiều loài chim.
Một phòng nghiên cứu khoa học tại Học viện Smithsonian đã điều tra và thống kê những loài chim thường “có duyên” với những tai nạn hàng không. Và kết quả là, loài chim có tần suất dẫn đầu cao nhất thuộc về chim mòng biển.
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng tránh và khắc phục hiệu quả nhất, nhưng những chú chim này vẫn gây lên những tổn thất tới hàng triệu USD mỗi năm.