Khi cán bộ làm “học trò” dân bản

Mạnh Cường| 17/09/2016 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi đến huyện Phước Sơn vào một buổi chiều vừa tắt nắng, cảnh núi rừng bắt đầu khoác lên mình một màu mới khiến không khí tĩnh lặng đến lạ thường.

Con đường dẫu ngoằn ngoèo, trắc trở nhưng khi đến đây, hít khí trời núi rừng khiến cho mọi mệt mỏi nhanh chóng tan biến. Đến với Phước Sơn, đến với con người nơi đây để cảm nhận sự thân tình họ gửi trao và say sưa với những câu chuyện kể không hề  muốn kết thúc. Trong vô vàn những câu chuyện tôi được nghe, có lẽ điều khiến tôi thú vị nhất đó là câu chuyện cán bộ TAND huyện Phước Sơn theo dân bản học tiếng… 

Vượt khó đi lên

Phước Sơn là một huyện miền núi nằm phía Tây của tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ 130km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 135km về hướng Đông Nam, với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống (Bh'noong, Kinh, Ca Dong, Giẻ, Tày, Nùng, Mường, Sán Dìu, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều, Pacô, Giá Rai, Hơ Rê, Co và Ve), trong đó người Bh'noong chiếm đến 59%. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Phước Sơn đã đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vì vậy đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên trên thực tế, song song với sự phát triển về kinh tế thì tình hình tội phạm và các tranh chấp phát sinh trên địa bàn lại có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất và mức độ phức tạp, nhất là các tranh chấp về dân sự và hôn nhân gia đình.

Với chức năng và nhiệm vụ là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cán bộ TAND huyện Phước Sơn đã xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đặc biệt trong điều kiện đơn vị biên chế ít, khối lượng công việc nhiều và phức tạp nên cán bộ, công chức tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, xây dựng các đề tài, sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng công tác; thực hiện tốt các phong trào thi đua để hoàn thành xuất sắc về các mặt công tác. Trong đó, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ khi xử lý công việc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng. Để từ đó căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.

Khi cán bộ làm “học trò” dân bản

Chánh án TAND huyện Phước Sơn - Pơ Loong Đếch trò chuyện với PV 

Khắc phục những khó khăn về đặc điểm địa lý đồi núi phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn, cơ sở vật chất, con người… cán bộ, nhân viên đơn vị làm việc với tinh thần hăng say, trách nhiệm. Từ đó, hàng năm đơn vị đều có những cá nhân đạt thành tích cao trong công tác chuyên môn. Trong đó, năm 2013 hai cán bộ được Hội đồng Thi đua -Khen thưởng TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam công nhận sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc “Công tác phối hợp giữa 3 ngành Tòa án - Viện kiểm sát - Công an” và “Nâng cao chất lượng xét xử án hình sự về ma túy”. Năm 2014, có 4 cán bộ sáng kiến phương pháp làm việc với các nội dung như “Cải tiến phương pháp điều hành, lãnh đạo để giải quyết các loại án đạt chất lượng cao”; “Tăng cường công tác xét xử lưu động nhất là ở các vùng cao trên địa bàn huyện”; “Vận dụng lời dạy của Bác “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” trong công tác giải quyết án”; “Giải pháp áp dụng thống nhất mẫu văn bản tố tụng trong sửa chữa, bổ sung bản án sau khi được ban hành”; hay như giải pháp “Thực hiện áp dụng một số mẫu văn bản tố tụng dân sự và kiến nghị”… Những giải pháp, kế hoạch thể hiện tinh thần cầu thị, học hỏi và không ngừng nâng cao chất lượng công tác của mỗi cá nhân đã tạo nên một sức mạnh tập thể như hiện nay…

Tự nguyện làm… học trò

Với đặc điểm huyện Phước Sơn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, trong khi dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn… đây chính là một trong những cản trở lớn nhất của cán bộ Tòa án. Để tuyên truyền pháp luật giúp người dân hiểu và tuân thủ là vấn đề những người lãnh đạo TAND huyện Phước Sơn đặc biệt quan tâm. Và chính trong sự khó khăn đó, TAND huyện Phước Sơn đã tìm ra cách vừa xích lại gần dân, hiểu dân nhưng cũng là cách cho dân hiểu được chính những người thực thi pháp luật bằng việc cán bộ đi học tiếng dân bản…

Chánh án TAND huyện Phước Sơn- Pơ Loong Đếch tâm sự: “Một khi dân trí thấp thì mức độ hiểu biết pháp luật đối với họ hoàn toàn hạn chế. Đặc biệt không phải dân tộc nào cũng thông thạo tiếng Kinh để chúng ta giải quyết công việc vậy nên cán bộ phải là người đi “khắc phục” hạn chế đó bằng cách học ngày học đêm. Học tiếng của dân bản để biết được họ thiếu gì, cần gì, sai ở đâu, vì sao sai… Việc học tiếng dân bản không phải là ngày một ngày hai nhưng đã là cán bộ ở đây thì phải xác định và xem đó như là một môn “ngoại ngữ” thông dụng mà chúng ta muốn giải quyết được công việc thì phải học. Dần dần những người như chúng tôi thấy đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng là niềm vui của nghề, từ đó thấy cuộc sống ý nghĩ hơn…”.

Từ đó, câu chuyện cán bộ TAND huyện Phước Sơn, ngày làm việc công sở, tối cắp sách cùng nhau đi học tiếng dân bản để thấy được tinh thần hay say cống hiến vì sự nghiệp chung của cán bộ nơi đây. Học để xóa đi khoảng cách cán bộ nói nhưng dân không hiểu cán bộ đang nói cái gì, để từ đó con đường tuyên truyền pháp luật đến với người dân đạt hiệu quả cao hơn. Dần, không còn câu chuyện cán bộ làm thủ tục hỏi “nơi sinh” của bị cáo, bị cáo… thẹn thùng vì ngại cho rằng cán bộ hỏi khó bởi ai không biết cán bộ, bị cáo và tất cả những ai có mặt trên đời đều sinh ra từ… một nơi. Hay như câu chuyện khi bị cáo được tuyên án treo lại khóc lóc thảm thiết cầu xin HĐXX cho bị cáo được giam bởi… treo, bị cáo không chịu được. Đây chính là một trong những thành công lớn của TAND Phước Sơn trong tổ chức công việc theo tinh thần “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” cần được biểu dương và nhân rộng.

Bằng vào việc không ngừng nâng cao chuyên môn, học tập và rèn luyện của mỗi cá nhân, sự quyết tâm đồng lòng đoàn kết của tập thể cán bộ TAND huyện Phước Sơn, trong những năm qua chất lượng giải quyết, xét xử các loại án đạt hiệu quả, việc xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không xử oan người vô tội. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức xã hội đều được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật. Với tinh thần đoàn kết nhất trí, Chi bộ đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ và xây dựng chi bộ, bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác dân vận, công tác đoàn thể và việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, các hoạt động xã hội được chú trọng.

“Cái gì không biết thì phải học, không thấy xấu hổ khi phải đi học từ dân, xấu hổ chính là khi mình tự phớt lờ đi không quan tâm đến nó và cho rằng mình không cần học những thứ đó mình vẫn là… cán bộ. Ở vùng núi như Phước Sơn nếu kể cái khó, cái nghèo thì nhiều lắm, nhưng để vượt qua tất cả những khó khăn đó mỗi người phải biết vượt qua chính mình, tự rèn luyện mình. Thấy cán bộ học, nói, giải quyết bằng tiếng  dân bản, dân “ưa cái bụng” lắm nên càng ngày càng tin tưởng vào cán bộ. Mà với những người “cầm cân nảy mực” bảo vệ công lý chỉ cần dân tin thì tôi nghĩ đã là thành công ngoài mong đợi”- Chánh án Pơ Loong Đếch chia sẻ thêm.

Để lồng ghép tuyên truyền pháp luật sâu rộng vào quần chúng nhân dân, TAND huyện Phước Sơn đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức những phiên tòa xét xử lưu động đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đến những nơi mà muốn đến thì cán bộ phải xắn quần lội bộ, đến những nơi mà cán bộ hiểu hết cuộc sống thực của dân chứ không phải nghe, nhìn qua sách báo… Chính từ cách làm “xông xáo” đầy thực tế như thế này nên trong thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật đến với người dân vùng núi của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam được cải thiện rõ rệt.

Đến với TAND huyện Phước Sơn, đến với những cán bộ tâm huyết với nghề để được nghe và cảm nhận mới thấu hiểu được những khó khăn mà cán bộ nơi đây phải vượt qua. Và tôi hiểu, để có một tập thể vững mạnh và một kết quả đạt được như hiện nay phải kể đến một “đầu tàu” năng nổ, trách nhiệm cùng với đội ngũ cán bộ đồng sức đồng lòng. Bởi ở một vùng núi xa xôi đầy khó khăn như Phước Sơn thì đây quả không phải là điều đơn giản…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi cán bộ làm “học trò” dân bản