Chính phủ Malaysia dự kiến ngày 30/7 công bố toàn bộ báo cáo cuối cùng của quá trình lần theo dấu vết chuyến bay mang số hiệu MH370 mất tích bí ẩn ngày 8/3/2014, kết thúc thời gian dài tìm kiếm không có kết quả.
Sự cố máy bay MH370 được xem là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế kỷ 21. Các cuộc điều tra tìm kiếm hoặc xác định điều đã xảy ra đều đi vào ngõ cụt. Những phân tích và giả thuyết âm mưu sau 4 năm vẫn không ngừng xuất hiện.
Chính phủ Malaysia dự kiến công bố báo cáo cuối cùng về vận mệnh của MH370 vào ngày 30/7/2018, hơn 4 năm từ khi mất tích. Bộ trưởng Giao thông Malaysia cam kết về một văn bản minh bạch, không che giấu hay xáo trộn – dù vậy vẫn chưa rõ các cơ quan chức năng có thể nói gì để thực sự khép lại những tranh cãi xung quanh thảm họa này.
Giao tiếp cuối cùng phát đi từ MH370
Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur cất cánh đi Bắc Kinh lúc 0h41 phút 8/3/2014 (giờ địa phương) với 239 người. Phần lớn hành khách – hơn 150 người – là người Trung Quốc. Còn lại có 38 người Malaysia, 7 người Indonesia, 6 người Australia, một số công dân nước khác và 12 thành viên phi hành đoàn.
Đại diện cơ quan hàng không dân sự Malaysia trả lời phóng viên tháng 3/2014. (Ảnh: AP)
Giao tiếp cuối cùng được phát đi từ buồng lái khoảng một tiếng sau khi cất cánh: “Chúc ngủ ngon người Malaysia 370.” Sau đó máy bay ngừng liên lạc với bộ phận điều khiển mặt đất.
Theo dữ liệu radar quân đội thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng hai giờ sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8 giờ sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.
Cơ quan chức năng cho biết các phương tiện liên lạc khác bị cố ý vô hiệu trong chuyến bay. Nói cách khác MH370 đã biến mất.
Tìm kiếm trong vô vọng
Quá trình tìm kiếm MH370 nhanh chóng khởi động, dù không có nhiều ý tưởng về việc phải bắt đầu ở đâu. Các đội đến từ Singapore, Việt Nam, Malaysia tìm các vùng biển ngoài khơi Việt Nam – nằm trên phần đường máy bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. FBI và Interpol cũng đến trợ giúp.
40 tàu làm việc ngày đêm cùng 34 máy bay hoạt động vào ban ngày – tổng cộng 26 quốc gia tham gia trong khi khu vực tìm kiếm liên tục được mở rộng nhưng không tìm thấy gì.
5/5/2014, Malaysia, Australia và Trung Quốc thông báo tổ chức tìm kiếm dưới lòng biển. Với đề nghị của chính phủ Malaysia, cuộc điều tra do Cục an toàn giao thông Australia dẫn đầu.
Dù vậy họ cũng không khám phá được nhiều. Malaysia chính thức công bố vụ mất tích là một tai nạn vào tháng 1/2015.
Mảnh vỡ đầu tiên
Mất hơn một năm mới tìm thấy mảnh vỡ đầu tiên được cho là của MH370, ở phần cánh máy bay, dạt vào đảo Réunion trên Ấn Độ Dương tháng 7/2015.
Sau gần 4 tháng gián đoạn để lập bản đồ chi tiết đáy biển, quá trình tìm kiếm khôi phục vào tháng 10/2015, nhưng thời tiết xấu tiếp tục cản trở điều tra. Tính đến tháng 5/2016, hơn 105.000 km vuông đáy biển tại Nam Ấn Độ Dương đã được tìm kiếm.
Tháng 7/2016, công ty Hà Lan do Australia thuê tìm kiếm máy bay cho biết có thể họ đã tìm nhầm chỗ trong suốt 2 năm trước. Các gia đình trở nên mệt mỏi và tự tổ chức những cuộc tìm kiếm riêng ở Madagascar.
Nhiều người thân nạn nhân mệt mỏi tự tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả. (Ảnh: AP)
Quá trình tìm kiếm không có kết quả tạm dừng vào tháng 1/2017, sau khi tiêu tốn 145 triệu USD. Giới chức trách kết luận khu vực tai nạn có thể nằm xa hơn ở phía Bắc. Trong năm đó, các tổ chức thực hiện nhiều báo cáo, tiếp tục phân tích các hình ảnh vệ tinh và mảnh vỡ trong khi các cuộc đối thoại tiếp tục để bắt đầu quá trình tìm kiếm mới.
Tháng 1/2018, chính phủ Malaysia bắt đầu tìm kiếm với đối tác là công ty Mỹ Ocean Infinity. Cuộc tìm kiếm bao phủ khu vực rộng 112.000 km vuông ở phía Nam Ấn Độ Dương, bao gồm những khu vực mục tiêu trước đó chưa tìm đến. Quá trình dừng lại ngày 29/5 mà không có phát hiện đáng kể, dù các điều tra viên vẫn muốn tìm tiếp lên hướng Bắc.
Trong 4 năm tìm kiếm, dấu vết duy nhất được xác nhận của chiếc Boeing 777 là 3 mảnh vỡ cánh trôi dạt lên bờ biển Ấn Độ Dương: ở Madagascar, đảo Réunion, Tanzania. Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết Malaysia sẽ xem xét tiếp tục tìm kiếm nếu có manh mối mới.
Các giả thuyết vẫn không ngừng đặt ra
Thiếu thông tin chắc chắn và nỗ lực tìm kiếm không có kết quả khiến nhiều giả thuyết nổ ra xung quanh những gì có thể xảy đến với chuyến bay.
Theo chính phủ Malaysia và Cục an toàn giao thông Australia, 239 người trên MH370 có thể đã mất khả năng kiểm soát vì thiếu oxy, máy bay phải chạy chế độ tự động trước khi hết nhiên liệu và rơi xuống biển.
Phiên bản khác cho rằng cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah là người duy nhất còn tỉnh táo, đã vô hiệu hệ thống liên lạc trước khi lái máy bay ra biển với ý định tự tử. Có nhiều người bao gồm các chuyên gia cho rằng đây là hành động cố ý của phi công nhưng ý tưởng này đã bị quan chức phụ trách tìm kiếm bác bỏ.
Giả thuyết tiếp theo cho rằng máy bay gặp sự cố chập điện gây cháy và quay lại Malaysia để hạ cánh khẩn cấp, nhưng đám cháy khiến hành khách và phi hành đoàn mất kiểm soát và máy bay đã vào chế độ tự động cho đến khi hết nhiên liệu. Dù vậy giả thuyết này bị nghi ngờ vì ít có khả năng máy bay sẽ bay tự động sau một vụ cháy, hơn nữa máy bay cũng chuyển hướng lần hai khi đang về Malaysia.
Một số chuyên gia cho rằng tình trạng các mảnh vỡ thể hiện máy bay gặp nạn trong khi vẫn đang được kiểm soát. Điều này có nghĩa là máy bay rơi vì thiếu năng lượng hoặc hạ cánh cố ý xuống đại dương.
Những giả thuyết khác bao gồm máy bay rơi ở khu vực chưa được tìm kiếm, bị giấu đi, bị điều khiển từ xa để cướp. Nhiều giả thuyết ngoài sức tưởng tượng hơn rộ lên xung quanh tai nạn bao gồm máy bay bị bắn, lạc vào Tam giác quỷ Bermuda.
Tất cả giả thuyết đều chưa được xác nhận và không có căn cứ rõ ràng. Tuy nhiên những chi tiết đáng ngờ như có hai người sử dụng hộ chiếu đánh cắp, không ai chắc chắn tất cả mọi người đã lên máy bay, những tường thuật mâu thuẫn của các quan chức và người nhà nạn nhân cáo buộc chính phủ Malaysia bưng bít thông tin như càng “thêm dầu vào lửa” cho các giả thuyết.